Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm B
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết tôn giáo thực sự là gì. Đó không chỉ là tuân thủ các quy tắc, luật lệ, truyền thống và nghi lễ theo những áp đặt bên ngoài. Nhưng là sống mối quan hệ yêu thương và tín thác với Chúa, được thể hiện qua việc tuân giữ các Giới Răn và thực hành bác ái. Những việc thực hành tôn giáo sẽ giúp chúng ta mỗi ngày đi vào chiều sâu hơn của mối tương giao này.
BÀI ĐỌC 1: Đnl 4,1-2, 6-8
Ơn ban Lề Luật
Điều gì đặc biệt về Luật dành cho dân Israel? Nhiều bộ luật cũng đã được Israel biết đến từ nền luật pháp của các dân tộc láng giềng, được viết trên đá hoặc bảng đất sét, (và mới được phát hiện gần đây); một số rất cổ xưa, một số bao quát hơn. Tuy nhiên, rảo qua tất cả những bộ luật này chúng thấy có hai mạch tư tưởng. Trước tiên, nếu người ta muốn trở thành Dân của Thiên Chúa, thì đây là cách họ phải sống: trở nên giống như Ngài, luôn bước đi theo Ngài và thuộc về Ngài. Vì vậy, Lề Luật là một bằng chứng của tình yêu, và việc tuân giữ Lề Luật là một chọn lựa biểu tỏ của tình yêu: “Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng thánh” (Lv 11,44-45). Mạch tư tưởng thứ hai là tôn trọng phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo và người túng thiếu. Trong các bộ luật khác, những người giàu được biệt đãi, được nhiều danh dự và đặc quyền hơn thường dân; những người đàn ông và phụ nữ tự do được đối xử tốt hơn nô lệ. Còn theo Luật Israel, mọi người đều được tôn trọng như nhau, và mọi người dân Israel thành tín phải luôn nhớ rằng Đức Chúa che chở bảo vệ những người bất hạnh: bởi vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; và người ta phải đối xử với các góa phụ, các trẻ mồ côi và người nhập cư như Thiên Chúa đã đối xử với họ khi họ là những người xa lạ ở Ai Cập. Tất cả những điều này đã được ghi lại trong Luật thành văn, được giải thích qua truyền khẩu do các trưởng lão, kì mục. Tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng đạt được mục tiêu như vậy, như chúng ta thấy trong Tin Mừng.
ĐÁP CA: Tv 15,2-5
Thực hành đức công chính
Thánh vịnh 15 là thánh vịnh được gán cho Đavít, vua Israel và là tổ tiên của Chúa Giêsu (Mt 1,1; Lc 1,32-33). Trong câu 1, tác giả đặt câu hỏi: Lạy Chúa, ai được vào ngự trong nhà Chúa? Ai được ở trên núi thánh của Ngài? Trong các câu 2-5, người viết Thánh vịnh trả lời câu hỏi của chính mình bằng cách đưa ra điều mà ông tin, đó là cần phải kiểm tra lương tâm khi bước vào Đền thờ Chúa. Người thờ phượng phải tự hỏi xem mình đã thể hiện lối sống của mình như thế nào để có thể được nhận vào thánh điện của Đức Chúa. Lưu ý rằng trọng tâm các đòi hỏi này là các đức tính liên quan đến tình yêu thương đối với người lân cận:
Người thực hành đức công chính (c. 2)
Những người không vu oan, không làm hại ai (cc. 2b-3)
Người tránh giao tiếp với phương gian ác (c. 4a)
Những người tỏ lòng kính trọng những ai tuân giữ Luật (c. 4b)
Những người cho vay không đặt lãi, không nhận quà hối (c. 5a)
Một người như vậy đã thể hiện tâm hồn ngay chính và hành vi tín phục để tách mình khỏi tội lỗi, và để tham dự vào việc thờ phượng một Đức Chúa Chân Thật. Thánh Phaolô kêu gọi mọi Kitô hữu thực hành việc kiểm điểm lương tâm trước khi cử hành Thánh Thể. Ngài viết cho các tín hữu ở Côrinthô: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này” (1Cr 11,26-28).
Theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta cũng cần xin Chúa tha thứ các tội nhẹ- dù nó không ngăn trở việc rước Thánh Thể. Tuy nhiên những lỗi nhỏ như sự nóng nảy, lòng kiêu căng tự phụ, sự giân hờn…sẽ tạo ra những chướng ngại nhỏ, làm cho chúng ta không nhận được trọn vẹn ơn thiêng từ Bí tích Thánh Thể. (x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung, ngày 4 tháng hai, 2004)
BÀI ĐỌC 2: Gc 1,17-18, 21-22, 27
Sống đức tin bằng hành động
Trong vài tuần tới, chúng ta sẽ đọc thư của thánh Giacôbê, thư dài nhất trong số bảy thư được gọi là “công giáo”, được viết không phải cho riêng cá nhân hoặc cộng đồng cụ thể nào mà cho Giáo hội phổ quát, trên toàn thế giới (đó là ý nghĩa của từ “công giáo”). Không rõ tác giả thực sự, nhưng thư này được coi là của Giacôbê, vị lãnh đạo đầu tiên của cộng đoàn Giêrusalem sau khi ông Phêro rời đi. Như chúng ta đã biết từ thư của Phaolô gửi cho tín hữu thành Galatia, ông Giacôbê tiếp tục khuyến giục lối sống và việc tuân giữ Luật Do Thái, ngay cả khi cộng đoàn này đã đi theo Chúa Giêsu. Theo đó, thư chứa đựng nhiều bài học thiết thực về việc tuân giữ Luật pháp của Chúa Kitô, đặc biệt nhấn mạnh – như ở phần cuối của bài đọc này – sự cần thiết phải quan tâm đến người nghèo và người yếu thế. Nó chứa đầy những hình ảnh ấn tượng, sống động, giống như việc một người nhìn vào tấm gương rồi bỏ đi và quên mất những gì họ thấy (các câu được bỏ trong bài đọc này). Tác giả áp dụng điều này để nhắc nhở phải chăm sóc người nghèo: chỉ liếc nhìn Lề Luật rồi sau đó tưởng mình là người đạo đức trong khi lại bỏ mặc những người thiếu thốn là “lừa dối chính mình”. Tôn giáo không chỉ là “lòng mộ đạo” đơn thuần mà là sống niềm tin qua hành động.
TIN MỪNG: Mc 7,1-8,14-15,21-23
Lòng đạo đích thực
Bài đọc thuật lại một biến cố xung đột giữa Chúa Giêsu và một số đối thủ của Người. Vấn đề khơi lên cuộc đối đầu là nghi thức tẩy rửa. Các kinh sư và người Pharisêu “đến từ Giêrusalem.” Điều này không chỉ xác định nơi cư trú của những người này, nó còn ngụ ý rằng họ mang theo quyền lực của lãnh đạo tôn giáo cư trú ở đó. Chính trong khả năng thẩm quyền này, họ thách thức hành vi của một số môn đệ của Chúa Giêsu.
Phong tục rửa tay được đề cập ở đây không phải là một thực hành vệ sinh mà là một nghi thức thanh tẩy mang ý nghĩa tôn giáo. Tập quán này có lẽ có nguồn gốc từ một trong những quy định buộc các tư tế tuân giữ khi họ dâng lễ. Tuy nhiên nó đã phát triển thành một yêu cầu bắt buộc cho tất cả mọi người. Nói cách khác, việc rửa tay nói chung không bị luật pháp ràng buộc, nhưng nó lại trở thành một tập tục tôn giáo được đưa vào luật truyền khẩu, ở đây được gọi là “truyền thống của tiền nhân”. Người Pharisêu là những người ủng hộ mạnh mẽ luật bất thành văn này. Vào thời Chúa Giêsu, luật này đã phát triển thành 613 điều luật. Họ muốn áp đặt cho một người thực sự được gọi là đạo đức phải chấp nhận các tiêu chuẩn cao về sự thánh thiện theo lập trường của họ. Chúa Giêsu đã không làm như vậy, nên họ chỉ trích Người.
Ở đây một lần nữa chúng ta để ý, người ta chỉ trích công khai hành vi của các môn đệ nhưng không phải của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đây là một lời chỉ trích gián tiếp đối với Chúa Giêsu, vì Người phải chịu trách nhiệm về hành vi của những người theo Người. Lời chỉ trích công khai này cũng là một ý đồ muốn làm xấu hổ Chúa Giêsu để Người bị thu nhỏ ảnh hưởng trước quần chúng. Và nếu để mất danh tiếng, Người sẽ không còn là mối đe dọa đối với những kẻ chống lại Người nữa.
Sự phản bác của Chúa Giêsu rất nhanh chóng và quyết liệt. Người gọi những người này là đạo đức giả và trích dẫn một đoạn trong sách Isaia để chống lại họ. Vị tiên tri này lên án những người chỉ chăm chú vào các thực hành tôn giáo bề ngoài nhưng lại bỏ qua sự cam kết trọn vẹn với Đức Chúa qua việc tuân giữ Lề Luật. Để tránh bất cứ ai bỏ sót nội dung của phần trích dẫn, Chúa Giêsu cố ý đưa ra một sự so sánh giữa những người mà nhà tiên tri lên án, với các môn đệ mà kinh sư và người Pharisêu kết tội. Chính những người đòi hỏi người ta tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ của họ lại không tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa.
Chúa Giêsu dùng cuộc gặp gỡ này để dạy một bài học sâu sắc hơn. Người bắt đầu bằng một mệnh lệnh có thẩm quyền để những ai đang nghe Người sẽ nhìn nhận sự nghiêm túc trong giáo huấn của Người. Chọn chủ đề thanh sạch/ ô uế, Người diễn giải lại nó bằng cách sử dụng các ý tưởng từ đoạn sách tiên tri mà Người vừa trích dẫn. Sự ô uế hay tình trạng không thanh sạch không được xác định bởi bất cứ điều gì từ bên ngoài. Những gì người ta ăn uống chỉ đi qua cơ thể rồi ra ngoài. Trái lại, sự ô uế bắt nguồn từ trong sâu thẳm của cõi lòng. Chính trong lòng con người đã nảy sinh những âm mưu thâm độc. Chúa Giêsu chứng minh điều này bằng cách liệt kê một số tội lỗi. Mặc dù những tội này là tội bên ngoài chống lại người khác, nhưng nó được hình thành trước tiên trong cõi lòng người ta. Do đó, đúng thật phải xác tín rằng chúng ta bị ô uế bởi những gì đến từ chính tâm hồn mình hơn là do những gì chúng ta đưa vào bản thân.
—-
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 577-582 : Chúa Kitô và Lề Luật
+ GLHTCG 1961-1974 : Luật cũ và Tin Mừng
Lm. Giuse Ngô Quang Trung