Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Ngày lễ hôm nay đánh dấu sự kết thúc mùa Phục Sinh, nhưng là biến cố khai sinh Giáo hội. Giống như phần kết của một bản giao hưởng hoành tráng, các bài đọc hôm nay tóm tắt lại những chủ đề đã xuất hiện trong suốt mùa Phục sinh: Kitô học, thần học ba ngôi, triều đại Thiên Chúa, sự sám hối, ơn cứu chuộc, sứ vụ truyền giáo, tính phổ quát của Giáo hội. Tất cả đều liên kết với nhau cũng như chúng ta được kết hợp với nhau trong thân thể của Chúa Kitô.
BÀI ĐỌC 1: Cv 2,1-11
Ngày khai sinh Giáo hội
Sứ vụ của Chúa Giêsu được khởi đầu với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần trong biến cố chịu phép rửa. Đến lượt Giáo hội, hoạt động nối tiếp công trình cứu thế của Chúa Giêsu cũng khởi sự bằng biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần. Người ta không thể làm chứng cho Chúa Giêsu và công trình cứu chuộc của Người, cũng không thể bắt đầu hoạt động rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, nếu không được Chúa Thánh Thần khởi động. Một bài học khác từ sự song hành này, đó là sứ vụ và đời sống của Giáo hội cũng giống như của chính Chúa Giêsu. Giáo hội, được quyền năng và sức mạnh Chúa Phục Sinh trao ban, cũng nỗ lực xây dựng vương quyền của Thiên Chúa trên trần gian này, đưa nó đi đến hoàn tất bằng các hoạt động chữa lành, bằng tình yêu và niềm vui chia sẻ. Những luồng gió mạnh và lưỡi lửa là một ám chỉ về sự xuất hiện của thần trí Đức Chúa ngự xuống trên ông Môisen và các kì mục trong Cựu Ước. Vì vậy, sứ điệp của lễ Ngũ Tuần mới, đó chính là sự hoàn thành Cựu Ước, vượt ra khỏi cộng đoàn Do Thái giáo để bao gồm tất cả các dân tộc trên thế giới. Sự hợp nhất tất cả các dân tộc để mọi người đều hiểu một ngôn ngữ theo cách riêng của họ, là một sự tương phản nổi bật với hoàn cảnh xảy ra ở tháp Babel, khi Đức Chúa chia rẽ tất cả các dân tộc trên thế giới, làm cho ngôn ngữ của họ bị xáo trộn đến nỗi không thể hiểu nhau (St 11). Danh sách các dân tộc không được công bố chính là một dấu chỉ nói lên tính phổ quát của Giáo hội.
ĐÁP CA: Tv 104:1, 24, 29-31, 34
Thần Khí đổi mới mặt đất
Trong Thánh vịnh đáp ca hôm nay, chúng ta ngợi khen Chúa là Đấng Tạo Hóa và sự canh tân liên tục của Ngài đối với trái đất và tất cả sự sống trong đó. Văn chương khôn ngoan nói nhiều đến thần trí Đức Chúa bao trùm mặt đất. Hơi thở ban Thần Khí sự sống của Chúa đổi mới công trình tạo dựng. Trong tiếng Hípri, từ “hơi thở” được dịch là ruah, có nghĩa là hơi thở, gió, không khí hoặc tinh thần. Từ ngữ này cũng được tìm thấy trong sách Sáng Thế 1,1-2, trình bày thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước khi bắt đầu công trình sáng tạo.
Khi tác giả Thánh vịnh nói tới sự đổi mới mặt đất có lẽ ông chỉ nghĩ đến những thay đổi cảnh sắc trời đất trong một khoảng thời gian đặc biệt của bốn mùa. Kitô hữu giải thích lại thánh vịnh này và áp dụng nó vào việc canh tân sự sống nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, mà Giáo hội là hoa trái đầu mùa.
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 12,3-7,12-13
Thân mình Chúa Kitô
Nhìn thoáng qua một nhà thờ đầy người có thể giúp chúng ta hiểu ra sự đa dạng của cộng đoàn Kitô giáo. Trong bài đọc này, Phaolô đưa ra những gợi ý nhắc nhở chúng ta rằng mỗi thành viên trong cộng đoàn Giáo hội đều có những khả năng riêng để đóng góp. Tất cả đều là đáng quý, những món quà này đều được Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người một cách khác nhau. Qua phép Rửa Tội chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, và cùng sống sức sống của Chúa Thánh Thần, mà ơn ban của Ngài thật dồi dào phong phú. Phaolô đã kể ra trong thư Galát: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5,22-23). Suy nghĩ thêm về cuộc sống chúng ta nhận thấy sẽ buồn tẻ biết bao, đơn điệu như thế nào, hoặc thậm chí không thể chịu đựng được nếu chúng ta sống với rất nhiều bản sao của chính mình, tất cả đều có cùng những khả năng và cùng một sai lỗi như nhau! Mỗi người trong chúng ta đều có thể đóng góp cho cộng đoàn một điều gì đó cá biệt và giá trị theo cách thế riêng của mình, để tạo sự đa dạng và phong phú. Cho dù đó là một em bé đang bước vào những giai đoạn đầu tiên của cuộc sống, một thanh niên đầy tiềm lực sự sống, hay một cụ già dày dặn sự khôn ngoan, từng trải kinh nghiệm thì đều có những mặt tích cực đem đến cho đời sống chung. Được kết nối bởi ơn Chúa Thánh Thần tất cả những con người khác biệt và đa dạng này sẽ tạo nên Thân Mình Chúa Kitô.
CA TIẾP LIÊN: Veni Sancte Spiritus (Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến)
Bài ca tiếp liên là một phần cử hành đặc biệt, dành cho những lễ trọng đặc biệt, hiện nay là lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Những Ca tiếp liên rất khó truy cứu nguồn gốc lịch sử và tác giả thực sự. Những bài ca tiếp liên đã trở thành những tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng, bởi vì có ý kiến cho rằng nguồn gốc của nó có liên quan đến những buổi diễn nguyện thời Trung Cổ.
Veni Sancte Spiritus là một trong bốn Ca tiếp liên được quy định trong sách lễ Rôma ấn hành năm 1570, sau Công đồng Trentô (1545–63). Giáo hội khẩn nài Chúa Thánh Thần ngự đến như Đấng là Cha kẻ bần hàn, Đấng an ủi tuyệt diệu, sự An nghỉ dịu dàng, Ánh Sáng linh diệu, Đấng chữa lành…Ba Ca tiếp liên khác là “Victimae Paschali Laudes” cho lễ Phục Sinh; “Lauda Sion”, lễ Mình và Máu Chúa Kitô; và “Dies Irae” cho lễ Cầu hồn. Vào năm 1727 Đức Bênêđictô XIII lại thêm Ca tiếp liên “Stabat Mater” vào lễ kính Bảy sự Đau đớn của Đức Trinh Nữ Maria.
Trước Công đồng Trentô rất nhiều lễ có những Ca tiếp liên riêng. Vào mùa Phục Sinh có khoảng 16 Ca tiếp liên khác nhau được sử dụng.
TIN MỪNG: Ga 20,19-23
Hãy nhận lấy Thánh Thần
Trình thuật cuộc hiện ra này xác định biến cố Chúa phục sinh và ban Thánh Thần cho các môn đệ xảy ra cùng một ngày, vì diễn tiến sự việc được mô tả xảy ra vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần (c. 19). Trình thuật bao gồm một số chi tiết nổi bật. Trước tiên, sự việc diễn ra vào ngày đầu tuần. Thứ hai, nó đã xảy ra mặc dù các cánh cửa đều đóng kín. Thứ ba, Chúa Giêsu xuất hiện giữa các môn đệ. Thứ tư, Người chào hỏi những người có mặt bằng lời chúc bình an. Thứ năm, Người mời gọi các môn đệ chú ý đến các vết thương của Người. Thứ sáu, Người trao ban Thần Khí cho các môn đệ và trao cho họ quyền tháo cởi. Mỗi chi tiết này đều mang đậm ý nghĩa thần học.
Ngày đầu tuần chính là ngày Chúa phục sinh (c. 19). Rõ ràng là toàn bộ cách tính thời gian đã được thay đổi bởi sự kiện xảy ra vào buổi sáng sớm hôm đó. Trước đây, trọng tâm ý nghĩa tôn giáo được đặt vào ngày Sabát, ngày kết thúc một tuần, bây giờ được chuyển vào ngày đầu tuần, ngày hướng mở về tương lai. Các cánh cửa được khóa cẩn thận giúp các môn đệ tránh sự dò xét của những người đã chủ mưu vụ bắt giữ, xét xử và đóng đinh Chúa Giêsu. Các môn đệ có lý do để sợ những người này bởi vì các ông cũng là đối tượng của sự thù ghét. Những cánh cửa đóng kín cũng nhấn mạnh khía cạnh mầu nhiệm của thân xác Chúa phục sinh. Thân xác ấy không còn bị giới hạn bởi những trở ngại vật chất; nó có thể di chuyển như nó muốn và nơi nó đến.
Lời chào chúc bình an, một lời chào phổ biến của người Do Thái trong một ngày sống, cũng là một lời nguyện chúc các phúc lành mang ý nghĩa cánh chung về sức khỏe, sự thịnh vượng và tất cả những điều tốt đẹp. Khi Chúa Giêsu chúc các môn đệ Người được bình an, thì cũng là hành động công bố sự xuất hiện thời gian đã thành tựu. Và khi mời gọi các môn đệ chú ý đến những vết thương ở tay và bên hông, Chúa Giêsu muốn cho họ thấy Người không phải là một hình dung của trí tưởng tượng hoặc một thứ hồn ma nào đó ẩn hiện trong thế giới này. Người cùng là một Đấng đã bị đóng đinh, nhưng bây giờ đã sống lại. Rõ ràng các môn đệ đã nhận ra Chúa, vì họ vui mừng khi thấy Người.
Hành động ban Chúa Thánh Thần được trình bày trong lời chào chúc bình an lần thứ hai. Hình ảnh thở hơi vào một người khác gợi nhớ đến sự tạo dựng Ađam (x. St 2,7) và sự phục hồi Israel sau thời lưu đày (x. Ed 37,9). Bằng tác động thở như thế, Chúa phục sinh cho thấy chính Người là Đấng có thể tạo dựng hoặc tái tạo. Một trong những từ ngữ tiếng Hípri chỉ hơi thở (ruah) cũng được dịch là tinh thần (thần trí, thần khí), vì vậy có một truyền thống lâu dài nối kết tinh thần với hơi thở. Thần trí của Thiên Chúa cũng là hơi thở của Ngài.
Các môn đệ được truyền lệnh ra đi để công bố chương trình cứu chuộc và sự xét xử của Thiên Chúa. Ngôn ngữ này mô tả hoạt động của một thẩm phán, người có quyền quyết định liệu bị cáo sẽ bị kết án bởi tội trạng của mình hay được tha. Dường như thẩm quyền được trao cho các môn đệ ở đây rộng hơn nhiều so với lời tuyên bố này. Cụm từ “ràng buộc và tháo cởi” (hoặc tha thứ) tương tự kiểu nói “thịt và máu”, hoặc “bên tả bên hữu”. Mỗi cách diễn tả nói đến một cực đối lập, nhưng hợp nhau lại thì có nghĩa là bao gồm tất cả thực thể giữa hai cực ấy. Đây là những cách mô tả nói đến tính toàn thể: “thịt và máu” đề cập đến toàn bộ cơ thể; “bên tả bên hữu” bao gồm toàn bộ phạm vi đã được xác định; “ràng buộc và tháo cởi” gợi ý trao trọn vẹn thẩm quyền. Với việc đón nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ được ủy quyền tiếp tục toàn vẹn sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian.
—
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 696, 726, 731-732, 737-741, 830, 1076, 1287, 2623: Chúa Thánh Thần, lễ Ngũ Tuần
+ GLHTCG 599, 597, 674, 715: Các tông đồ làm chứng trong ngày lễ Ngũ Tuần
+ GLHTCG 1152, 1226, 1302, 1556: Mầu nhiệm của lễ Ngũ Tuần tiếp diễn trong Hội Thánh
+ GLHTCG 767, 775, 798, 796, 813, 1097, 1108-1109: Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông trong Thánh Thần
Lm. Giuse Ngô Quang Trung