Bài 2: Bài Chia Sẻ

print

BÀI 2.

BÀI CHIA SẺ

Vài nét tiểu sử:

  • Sinh ngày 03–05–1934 tại phố Hàng Đàn, tỉnh Nam Định, học trường tiểu học Servir, của xứ Nam Định, vào hội Nghĩa Binh Thánh Thể và Hội Sói Con của xứ Nam Định.
  • Cha là Nguyễn Văn Sâm qua đời năm 1952, mẹ là Nguyễn Thị Thọ qua đời năm 1985. Hai chị đã qua đời năm 1999 và 2008, còn một em trai là Nguyễn Kim Khánh.
  • Cha phó xứ Nam Định Antôn Hoàng Cao Chiểu là nghĩa phụ, giúp sửa soạn vào chủng viện.
  • 1946 thi đậu vào Tiểu Chủng Viện Hà Nội ở Hoàng Nguyên.
  • 1952 học Tiểu Chủng Viện Piô XII mở tại Hà Nội.
  • 1954 học Đại Chủng Viện Xuân Bích, 2 năm ở Vĩnh Long, 4 năm ở Thị Nghè.
  • 1960 nhập giáo phận Cần Thơ, dạy học ở Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý tại Sóc Trăng.
  • 1961 chịu chức Linh Mục do Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền và được bài sai về làm linh hướng ở Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý.
  • 1972 thi đậu thủ khoa Cử nhân giáo khoa Anh ở Đại Học Cần Thơ.
  • 1973 đổi về làm Tuyên Uý Dòng Con Đức Mẹ Bình Thủy – kiêm họ Bình Thủy – đi dạy Anh Văn năm 1973 – 1974 tại Đại Chủng Viện Long Xuyên.
  • 1975 về họ Trà Cú với lớp triết học I.
  • 1980 phá 2 cây tháp nhà thờ, xây mặt gió, kỷ niệm thành lập họ Trà Cú được 100 năm.
  • 1986 mừng lễ Ngân Khánh Linh Mục.
  • 1994 xuất bản sách Đức Kitô Đường Hạnh Phúc.
  • 1995 về xứ Trung Hải – làm trưởng ban giáo lý Giáo Phận và soạn bộ giáo lý cho 8 lớp.
  • 2002 xây mới nhà xứ.
  • 2003 xây lại Nhà Thờ Trung Hải.
  • 2010 xuất bản sách Về Cõi Vĩnh Hằng.
  • 2011 về Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ – Mừng Kim Khánh Linh Mục.
  • 2013 dịch và xuất bản cuốn sách Youcat, Giáo Lý Cho Giới Trẻ Việt Nam.
  • 2014 giúp giáo lý cho các chị Hội Điểm Tim, Cần Thơ.

 

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 17, 7-10)

Phục vụ cách khiêm tốn

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: “Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa”, mà trái lại không bảo nó rằng: “Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống”? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không. “Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”. Đó là lời Chúa.

Bài chia sẻ:

Con ở trong Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ đã nhiều năm, có dịp dự và nghe nhiều bài chia sẻ trong các thánh lễ an táng, do các đấng bề trên, cũng như các linh mục già trẻ. Chắc chắn vị nào cũng muốn bài chia sẻ thật hay và có ích. Nhưng thế nào là hay và có ích. Điều này tùy ở người chia sẻ cũng như người nghe. Con thiển nghĩ một bài chia sẻ trong thánh lễ an táng một linh mục được coi là hay và có ích, không phải là một bài điếu văn, hoặc một bài ca tụng chức linh mục, hoặc một bài đề cao thành tích cá nhân… nhưng là bài nói ngắn gọn nêu lên hai việc sau đây:

  1. Những việc Chúa đã làm cho Linh mục.
  2. Những việc Linh mục đã làm để đáp lại ý Chúa.

Nêu lên nhằm mục đích giúp cộng đoàn phụng vụ và chính linh mục:

  • Tôn vinh cảm tạ Chúa về những gì Chúa làm qua linh mục.
  • Xin ơn lòng thương xót Chúa tha thứ mọi lỗi lầm khuyết điểm, đề linh mục mới qua đời sớm được về Thiên đàng với Chúa.

Những việc Chúa đã làm.

  1. Con là Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, sinh năm 1934. Ông cố đã qua đời năm 1952, bà cố qua đời năm 1985, gia đình có 4 anh chị em, hai chị qua đời năm 1999 và 2008, em trai còn sống ngoài 82 tuổi liệt giường. Con được học tiểu học ở trường nhà xứ Nam Định, được cha phó xứ Nam Định, Antôn Hoàng Cao Chiểu nhận vào đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể và đoàn Sói Con của giáo xứ, ngài là cựu sinh viên Đại Chủng Viện Xuân Bích. Ba năm chót của tiểu học, con được dự các trại hè Magnificat ở Sầm sơn, Thanh Hóa, do các cha Xuân Bích làm trưởng trại (Cha Courtois) tổ chức giáo dục theo tinh thần hướng đạo. Cha Antôn Chiểu nhận con làm nghĩa tử và sửa soạn cho con đi chủng viện.
  2. Năm 1946 thi đậu vào Tiểu chủng viện Hoàng nguyên, giáo phận Hà nội. Học các lớp 6,5,4 do các cha cựu sinh viên Xuân Bích và một số thầy Xuân Bích hướng dẫn. Sau vì chiến tranh, chủng viện phải giải tán.
  3. Năm 1951 giáo phận mở Tiểu chủng viện Piô XII, với ban giáo sư mới tu học ở Pháp về, áp dụng phương pháp giáo dục khai phóng. Trao đổi các giáo sư với trường Chu Văn An ở Hà nội, mở các lớp đệ 4,3,2. Năm 1954 đậu tú tài tỉ lệ cao hơn trường nhà nước.
  4. Năm 1954 được gọi lên học Đại chủng viện Xuân bích, và di tản về miền nam với các cha Xuân bích, chuyên đào tạo linh mục theo giáo dục khai phóng, đó là tôn trọng học viên, tạo bệ phóng để học viên thăng tiến. Qua việc tổ chức các kỳ nghỉ, leo núi, tắm suối, xuyên rừng, tham quan khắp 4 vùng chiến thuật để vừa tìm hiểu bối cảnh vừa thực tập mục vụ và dạy giáo lý… Năm 1958 cha giáo dạy Huấn giáo còn cộng tác với một số thầy dịch bộ sách giáo lý theo Thánh kinh của Hội đồng Giám mục Đức sang tiếng Việt, để dùng dạy giáo lý cho đến khi có Công đồng Vatican II (1965) tất cả thầy trò cùng sống, cùng làm việc, tạo nên một truyền thống, một lối sống gọi tắt là “Chất Xuân Bích”, thấm nhuần vào các cựu học viên Xuân bích. Năm 1960, các chủng sinh miền Bắc vào miền Nam phải gia nhập các giáo phận địa phương, con đã xin gia nhập Qui Nhơn, nhưng sau Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, lúc đó là Giám mục Cần thơ, chiêu mộ con và một số chủng sinh Hà Nội về giúp mở Tiểu chủng viện Cần Thơ. Con nhận nhập Cần Thơ.
  5. Sau một năm làm dâu, năm 1961 con được chịu chức linh mục do Đức cha Philiphê Nguyễn Kim Điền, thay thế Đức cha Bình. Ngài cho con bài sai về làm linh hướng Tiểu chủng viện Á Thánh Quý. Con nghĩ mình còn “non choẹt”, và nhiều cha lớn tuổi cũng nghĩ thế. Con không dám nhận. Nhưng Đức cha bảo “cha cứ làm”. Con gửi bưu thiếp bao tin cho cha nghĩa phụ Antôn Chiểu ở Hà nội, ngài hết sức vui mừng và dặn con: “chịu khó chọn chủng sinh tốt cho làm linh mục, sau này về giúp giáo phận.” Năm 1962 con nhận giúp chú Tôma Phượng, thuộc Long xuyên, năm 1975, làm linh mục. Năm 1962 con nhận giúp chú Giuse Long, làm linh mục năm 1978, đang ở Cần Thơ, còn một số đã thôi vì thời cuộc. Con rút lấy kinh nghiệm được các cha và các thầy Xuân Bích giáo dục hướng dẫn con để nay con lo huấn đức và dạy các lớp giáo lý. Năm 1968, Cần thơ mở Đại học con cùng với nhiều cha đăng ký học ở đai học Cần thơ, con học Anh văn và năm 1972 ra trường đậu Thủ khoa Cử nhân Văn chương giáo khoa Anh Mỹ.
  6. Năm 1973 được đổi về coi họ Bình thủy và linh giám Hội dòng con Đức Mẹ Bình Thủy- kiêm thêm lớp dạy anh văn cho lớp Triết ở Đại chủng viện Rạch giá, Long xuyên năm 1973-1974. Khi giáo phận có Nguyệt san Đồng Hướng con đã góp nhiều bài về thần học, mục vụ…
  7. Năm 1975 được sai về coi họ Trà Cú gồm 2.500 giáo dân ở vùng nông thôn ba không: không điện, không nước ngọt, không đường bộ; với 16 thầy Triết học để lao động và học hành, cùng sống chung và học hành gần chục năm thì giải tán. Năm 1980, phải phá hai tháp nhà thờ vì lún nghiêng, sửa lại mặt tiền nhà thờ, mừng 100 năm thành lập họ đạo. Suốt 20 năm, con phải soạn giáo lý Vào đời giúp rèn luyện tư cách Kitô hữu, soạn sách Chuẩn bị vào đời sống hôn nhân và gia đình vì lúc đó chưa có, và viết sách Đức Giêsu Kitô đường hạnh phúc để giới thiệu đạo Chúa. Năm 1992 dựng cầu bằng gỗ căm xe, khoan 1 giếng nước ngọt cho Trà cú. Năm 1993 cất 3 lớp học tình thương, 3 cầu tình thương và khoan 3 giếng nước cho 3 ấp người lương.

Năm 1994 Đức cha Phaolô Phạm đình Tụng, Giám đốc Đại chủng viện Hà nội, đích thân vào gặp Đức cha Cần thơ Lê phong Thuận, tại Đại chủng viện Thánh Quý xin cho con về giúp Hà Nội, con có mặt ở đó. Đức cha Thuận hứa với Đức cha Tụng sẽ thu xếp. Dịp cấm phòng năm 1995, Đức cha Thuận báo cáo cho quí cha giáo phận sẽ đổi con về xứ Trung Hải để thu xếp cho con có thể về giúp Hà nội…

  1. Năm 1995 được đổi về xứ Trung hải, gần quốc lộ, chỉ có 1000 giáo dân. Được bầu làm trưởng Ban Giáo lý giáo phận, và cùng với ban soạn bộ sách giáo lý cho các lứa tuổi, từ lớp 1 đến lớp 8. Lo xây 4 cầu xi măng, khoan 4 giếng, giúp “tôn hóa” hơn 10 nhà mái lá vách lá nền đất… Chờ mãi không thấy Đức cha Thuận thu xếp để con về giúp giáo dân Hà nội, con nhận đi giúp bồi dưỡng về giáo lý, về mục vụ, cho nhiều nơi như Đại chủng viện Huế, giáo phận Đà nẵng, dòng thánh Phaolô Đà nẵng, giáo phận Nha trang, giáo phận Hưng hóa…

Tới năm 2002 nhà thờ và nhà xứ Trung Hải xuống cấp trầm trọng, buộc phải xây cất lại. Trước hết con lập một đội thiếu nhi để khấn Lòng thương xót Chúa, Đức Mẹ và thánh Giuse vào mỗi buổi trưa. Chúa run rủi cho anh Antôn Phan văn Dưỡng tình nguyện giúp xây dựng phần cơ bản trong ba tháng. Rồi các ân nhân, các bạn học “tu ra” nhiệt tình giúp đỡ kinh phí để tiếp tục đến hoàn thành năm 2005. Năm 2009 con viết cuốn Về cõi vĩnh hằng, giúp dọn mình về hưu.

  1. Đầu Năm 2011 được Đức cha cho phép về Nhà hưu dưỡng linh mục Cần thơ, con dùng thời giờ rảnh đọc sách báo, viết bài góp ý về mục vụ, giáo lý, phúc âm hóa, tu đức… Năm 2003 vì nhu cầu giáo lý cho giới sinh viên ở Cần thơ con dịch sách Youcat sang tiếng Việt và xuất bản toàn quốc cho giới trẻ Việt Nam, có sửa chữa hoàn chỉnh năm 2016, được Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn giới thiệu cho các Kitô hữu Việt Nam.

Đó là tóm lược những gì Chúa đã dùng con để làm việc cho Chúa, và những gì con đã cố gắng đáp lại tình thương Chúa để làm việc cho Chúa dù chỉ được một phần nào thôi, và chắc chắn có nhiều sai sót khuyết điểm đối với Chúa cũng như đối với mọi người.  Xin cộng đoàn cảm tạ ơn Chúa, và tha thứ những lỗi lầm của con.

 

Antôn Nguyễn mạnh Đồng