Bài 16: Làm Mới Hình Ảnh Giáo Hội Tại Việt Nam

print

Bài 16:

LÀM MỚI HÌNH ẢNH GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM

 

  1. Những điều lý thú:

Năm 2009, sau khi đọc Thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) gửi Cộng đồng Dân Chúa về việc Cử hành Năm Thánh 2010, rồi xem Nội quy cũng như Đề cương giúp học hỏi chủ đề Giáo Hội tại Việt Nam: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, tôi thấy các Đức Giám Mục Việt Nam Muốn “vận động cộng đồng Dân Chúa để làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công đồng Vatican II, năm 1965 đã phác hoạ”. Tôi liền nảy ra thắc mắc: Tại sao lại chọn học hỏi chủ đề trên, và chủ đề ấy có cái gì có thể làm đổi mới bộ mặt Giáo Hội tại Việt Nam. Tôi cố ý đi tìm câu giải đáp trong Nội quy và Đề cương nhưng không thấy, tôi trở lại tìm tài liệu về Công Đồng Vatican II, rồi Tài liệu của Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt (THĐGMĐB) năm 1985 về Công đồng, may thay tôi tìm được lời giải đáp và nhiều điều lý thú; tôi đã ghi lại trong bài: “Tại sao Học hỏi về Giáo Hội như Mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ”, rồi bài: “Học hỏi về Giáo Hội: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, để đối thoại với thế giới”. Tôi gửi hai bài cho Bản tin Hiệp thông của HĐGMVN, nhưng chỉ bài sau được đăng …

Điều lý thú thứ nhất là Tài liệu THĐGMĐB cho biết rằng khi thảo luận về bản chất của Giáo Hội thì có 2 khuynh hướng: khuynh hướng thứ nhất muốn Giáo Hội như một thể chế, một xã hội hoàn hảo giữa lòng thế giới, với những bổn phận và quyền lợi riêng; khuynh hướng thứ hai muốn bản chất Giáo Hội là một cộng đồng thần thiêng, hiệp thông với đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với nhau để khiêm tốn phục vụ thế giới. Các nghị phụ đã tranh luận sôi nổi, rồi căn cứ vào thực trạng của một thế giới đang trần tục hoá, các ngài đã loại bỏ khuynh hướng thứ nhất và chọn bản chất Giáo Hội là mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ. Các ngài đã khai triển chủ đề trên trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân và Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, cũng như trong các văn kiện khác, và đã làm cho bộ mặt Giáo Hội đổi mới dần dần cho tới nay. Như thế ta biết được lý do tại sao HĐGMVN chọn chủ đề theo Công đồng Vatican II để học hỏi và làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam. Sự chọn lựa của HĐGMVN là chính đáng, hữu ích, và cần thiết.

Điều lý thú thứ hai: Tài liệu của THĐGMĐB cho thấy chủ đề đã được chọn có ý nghĩa súc tích và sâu sắc đến nỗi sau 20 năm, khi Đức Gioan Phaolô II triệu tập THĐGMĐB năm 1985, gồm các nghị phụ đã từng tham dự Công đồng, các ngài đã có nhận xét rằng: “Khái niệm Giáo Hội như mầu nhiệm tỏ ra khó hiểu đối với nhiều Kitô hữu” và “ý niệm Giáo Hội hiệp thông đã không thấm nhập vào dân Ki tô giáo”. Ta có thể nghĩ đến việc Công đồng bị hiểu lầm và đã xảy ra những khủng hoảng về sứ vụ truyền giáo, về căn tính linh mục và tu sĩ … Do đó mà các nghị phụ đã giải thích cho rõ ràng hơn mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ nghĩa là gì, và các ngài còn quan tâm đến thực trạng cụ thể của thế giới tục hoá hôm nay cũng như chọn lựa dành ưu tiên cho những người nghèo và việc thăng tiến con người. Đặc biệt các ngài đã nêu bật lên hai điều cốt lõi làm cho Giáo Hội vừa được sáng giá trổi vượt, vừa có thẩm quyền và khả năng đối thoại để cứu độ thế giới tục hoá.

Điều cốt lõi thứ nhất là Giáo Hội được phát sinh từ ý muốn Chúa Cha, được tập họp bởi Chúa Ki tô để trở thành Thân mình mầu nhiệm của Chúa Ki tô, và được trở thành Đền thờ Chúa Thánh Thần. Các ngài tóm gọn là “Giáo Hội có tính cách Ba Ngôi”. Đề cương của HĐGMVN thì tóm tắt là “Giáo Hội qui chiếu về Chúa Ba Ngôi”, còn Tài liệu làm việc thì tóm tắt trong kiểu nói thần học là “Giáo Hội có chiều kích Ba Ngôi”.

Điều cốt lõi thứ hai là “Giáo Hội có Chúa Kitô là tâm điểm”, vì “Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa, vừa là người, Chúa Kitô biểu lộ cùng một trật mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm của con người, nhờ Người mà con người được nâng lên phẩm giá cao trọng nhất”. Tuy nhiên Giáo Hội gồm những con người đang hành hương nơi trần thế, còn mang trong lòng những người tội lỗi, nên vẫn cần được thanh luyện, trong Giáo Hội luôn hiện diện mầu nhiệm thập giá và phục sinh. Còn Tài liệu làm việc thì tóm gọn trong mấy tư tưởng thần học là “Giáo Hội mang chiều kích Kitô học”, và “Giáo Hội có cấu trúc Thần-Nhân”, do đó có “tính bản địa và Hội nhập văn hoá”, và được gọi là “cộng đoàn Vượt Qua và lữ hành”. Như vậy Giáo Hội phải trở nên dấu hiệu và dụng cụ của sự thánh thiện của Thiên Chúa, và mọi thành phần trong Giáo Hội đều có ơn gọi nên thánh và phải nên thánh, chính nhờ đó, Giáo Hội mới có thẩm quyền và khả năng đối thoại để cứu độ thế giới đang tục hoá hôm nay. Bộ mặt Giáo Hội được đổi mới ở chỗ cốt yếu này.

Điều lý thú thứ ba: Giáo Hội có một vị chủ chăn rất khôn ngoan, can đảm, và tích cực trong việc làm mới hình ảnh Giáo Hội trước thế giới, đó chính là Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài là người Ba Lan, sinh sống và lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngay khi được bầu làm giáo hoàng, Ngài đã đi tiên phong trong việc đối thoại với chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa cộng sản, Ngài đã chọn thách thức các chủ nghĩa đó trong việc thăng tiến con người. Cho nên trong Thông điệp đầu tiên khi mới lên ngôi giáo hoàng năm 1997, Ngài công bố “chọn con người là con đường của Giáo Hội”. Ngài đã dùng các chuyến công du mục vụ tới hơn 129 nước trên thế giới để thi hành sứ vụ ngôn sứ, là công khai loan báo Chúa Ki tô cho thế giới. Ngài lớn tiếng kêu gọi: “Đừng ngại đón nhận Chúa Giêsu và đón nhận quyền lực của Ngài. Hãy giúp đỡ giáo hoàng và tất cả những ai nguyện phục vụ Chúa và, với quyền lực của Chúa, phục vụ con người và toàn thể nhân loại … Hãy mở toang những cánh cổng đến với Chúa Giêsu. Hãy mở tung những hạn chế của Nhà Nước ra trước quyền năng cứu độ của Người, mở tung các chế độ kinh tế và chính trị, các đế quốc rộng lớn về văn hoá, nền văn minh và sự phát triển[1]. Ngài còn nói “Chúa Giêsu là chiếc chìa khoá để hiểu được thực tiễn vĩ đại và cơ bản là con người … Không thể loại Chúa Giêsu khỏi lịch sử nhân loại ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này … Loại trừ Chúa Giêsu khỏi lịch sử là một tội ác chống lại loài người[2]. Ngài đã nêu rõ quan điểm của Ngài đối với thế giới là : “Cả hai chủ nghĩa cộng sản và tư bản đều bất toàn, cả hai đều không đáp ứng được những tiếng kêu gào đòi công lý và nhân phẩm của con người[3]. Ảnh hưởng của Ngài mỗi ngày lan rộng khắp thế giới và những kẻ thù nghịch với Giáo Hội đã coi Ngài là nguy hiểm cho họ nên đã mưu sát Ngài năm 1981, nhưng Đức Mẹ đã cứu Ngài thoát chết “Điều đó là một phép lạ phi thường. Giáo hoàng và các bác sĩ của ông đã công nhận điều đó[4]

Sau khi bình phục, Ngài tiếp tục hăng say hơn làm mới hình ảnh Giáo Hội trước thế giới, bằng cách đối thoại với các nước xã hội chủ nghĩa là Ba lan, quê hương của Ngài và các nước Đông Âu. Đang khi đó Ngài cũng phải đối phó với những khủng hoảng trong Giáo Hội về sứ vụ truyền giáo, về căn tính linh mục và tu sĩ … Năm 1985 Ngài đã triệu tập THĐGM đặc biệt để duyệt lại việc thực thi giáo huấn Công đồng như đã trình bày trong điều lý thú thứ hai.

Sau đó Ngài tiếp tục cùng với các giám mục toàn thế giới lần lượt đi sâu vào từng bậc sống trong Giáo Hội. Trước hết là cho các Kitô hữu giáo dân, THĐGM cho ra  Tông huấn “Kitô hữu giáo dân”(1988); rồi cho việc đào tạo giáo sĩ có Tông huấn “Ta ban các mục tử” (1992); sau nữa là cho các tu sĩ có Tông huấn “Đời thánh hiến” (1996), Tất cả nhằm giúp mỗi bậc sống đổi mới cho đúng mô hình Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ.

Ngài còn muốn Giáo Hội đổi mới cho phù hợp với thực tại của mỗi châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh … nên còn tổ chức THĐGM cho từng châu lục. Năm 1993, Ngài mạnh dạn tỏ rõ thái độ đối với chủ nghĩa tư bản “Sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản bất nhân vốn là một điều xấu xa thực sự”. Còn đối với chủ nghĩa Mác xít, Ngài công nhận: “Các nhân tố về chân lý không nên bị tàn phá, không nên bị gió cuốn đi … Những người theo chủ nghĩa tư bản ở mức cao nhất của nó, dự định bỏ qua những thành tựu tốt đẹp của chủ nghĩa cộng sản: các nỗ lực của chủ nghĩa cộng sản nhằm vượt qua được vấn đề thất nghiệp và mối quan tâm của họ đối với người nghèo”. Khi nghe thấy tuyên bố trên của Giáo hoàng, ở Matcơva, Gorbachov đã nở nụ cười. Ông ta nói với một người bạn Italia: “Rất thú vị[5].

Sau hết, ta phải kết luận gì khi Ngài qua đời, đám tang của Ngài đã được hầu hết các nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới tham dự với con số kỷ lục chưa từng có bao giờ.

  1. Ước mong:

Giáo Hội Việt Nam trong Năm Thánh 2010 đã muốn đổi mới hình ảnh Giáo Hội theo mô hình Công đồng Vatican II đã chọn. Chúng ta có điều kiện thuận lợi là thừa hưởng kinh nghiệm 45 năm đổi mới của Giáo Hội toàn cầu, từ các THĐGM cho đến Liên HĐGM Á Châu, nhất là của Đức Gioan Phaolô II, nên chỉ mới vỏn vẹn một năm chúng ta đã học hỏi, góp ý, và tổ chức Đại hội Dân Chúa thành công. Chúng ta chỉ còn ước mong là sớm có những hướng dẫn “chính xác, rõ ràng” của Hội Đồng Giám Mục để Dân Chúa tại Việt Nam bắt tay vào việc đổi mới.

Để góp phần nhỏ mọn của mình, xin đề nghị 3 việc:

 Giáo Hội Việt Nam chọn loan báo Chúa Kitô là Con Đường là sự thật là sự sống.

‚ Giáo Hội Việt Nam chọn đối thoại với bất cứ ai thiện chí (dù theo tư bản hay xã hội chủ nghĩa):

  • Để bảo vệ chủ quyền của Đất Nước,
  • Để bảo vệ môi trường sinh sống,
  • Để quan tâm ưu tiên đến người nghèo, cụ thể là nông dân và công nhân.

ƒ Soạn một kinh ngắn gọn nhắc đến các đề nghị trên để Dân Chúa nhớ cầu nguyện và thực hành.

Đề nghị : Kinh Hậu Năm Thánh 1 (trình bày theo ước muốn Nội Quy là “chính xác rõ ràng”)

Lạy Cha là Chúa cả trời đất, chúng con tạ ơn Cha đã thương tạo thành và cứu độ nuôn loài. Cha đã gởi các ngiáo đến gieo hạt giống Tin Mừng, và cho chúng con nhiều nhân chứng đức tin, làm cho hạt giống ấy sinh hoa kết quả dồi dào trên quê hương chúng con. Chúng con nài xin Cha tha thứ mọi lỗi lầm thiếu xót đối với Cha và với mọi người, trong quá khứ cũng như trong hiện tại.

Sau Năm Thánh, toàn thể Dân Chúa là giáo dân-giáo sĩ-tu sĩ, quyết tâm làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam, thành một Giáo Hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ,

Bằng cách nhiệt tâm loan báo Chúa kitô, là Con Đường là Sự Thật và là Sự Sống; bằng cách thành thật đối thoại với những người thiện chí dù theo bất cứ chính kiến nào, để bảo vệ chủ quyền của Dân Tộc, để bảo vệ môi trường sinh sống, để quan tâm ưu tiên đến người nghèo, cụ thể là nông dân và công nhân.

Sau hết, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse, và các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Cha giúp chúng con kiên trì thực hiện cuộc đổi mới. hầu góp phần làm cho quê hương Việt Nam được độc lập tự do hạnh phúc đích thực và toàn diện hơn. Amen   

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Giáo phận Cần Thơ

Kinh Hậu Năm Thánh 2

Lạy Cha là Chúa cả trời đất, chúng con tạ ơn Cha đã thương tạo thành và cứu độ nuôn loài. Cha đã gởi các nhà truyền giáo đến gieo hạt giống Tin Mừng và làm cho hạt giống ấy sinh hoa kết quả dồi dào trên quê hương chúng con.

Sau Năm Thánh, toàn thể Dân Chúa là giáo dân giáo sĩ tu sĩ, quyết tâm làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam, thành một Giáo Hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ,

Bằng cách nỗ lực trở nên dấu chỉ và dụng cụ cho sự thánh thiêng của Thiên Chúa, luôn sống gắn bó với Chúa Kitô trong Lời của Ngài, siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các mầu nhiệm thánh.

Bằng cách luôn kính yêu và sống hiệp thông huynh đệ với Gia đìnhï Giáo Hội mà Chúa Kitô đã thiết lập, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với mọi thành phần Dân Chúa, trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau, để tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô

Bằng cách nhiệt tâm loan báo Chúa Kitô là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, tích cực dấn thân vào việc xây dựng Đất Nước về mọi mặt, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, nhằm phục vụ sự sống và sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội, nhất là những người nghèo khổ, cụ thể là nông dân và công nhân.

Sau hết, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La vang, Thánh Cả Giuse, và các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Cha biến đổi chúng con thành môn đệ đích thực của Cha, giúp chúng con kiên trì thực hiện cuộc đổi mới. Xin Cha hiệp nhất tất cả chúng con trong cùng một sứ mạng yêu thương phục vụ, quyết tâm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương để dung nhan Cha bừng sáng trên quê hương, góp phần làm cho Đất Nước Việt Nam được độc lập tự do hạnh phúc đích thực và toàn diện hơn. Amen  

———————————

* Giáo Hội tham gia, tức là mọi người đều có bổn phận cộng tác phần mình làm cho Giáo Hội được vững mạnh.

Hội Thánh là tất cả chúng ta, những người công dân của Nước Trời, những chi thể thuộc Thân Thể Chúa Kitô, là Đền thờ của Chúa Thánh Thân.

Là Dân của Thiên Chúa, chúng ta phải tuân giữ các giới răn của Chúa, phải tìm hiểu và thực thi thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải sáng kiến của chúng ta.

Là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta phải gắn bó với Người và liên kết với nhau, làm cho cộng đoàn, gíao xứ, giáo phận và Giáo Hội Việt Nam của chúng ta thực sự là một Hội Thánh thực sự hiệp thông, trong đó mỗi người đều tích cực tham gia vào sứ vụ chung, mỗi người đều phải nhận ra là phải liên đới chịu trách nhiệm về sứ vụ chung của Giáo Hội.

Là Đền thờ Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy năng chạy đến với Ngài, xin Ngài hướng dẫn mọi lời nói, việc làm và cả cuộc sống của chúng ta sao cho hợp với ý muốn và chương trình của Thiên Chúa. Nói tóm, chúng ta hãy cùng nhau lên đường tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô, ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người để đưa mọi người về với Chúa. Có như vậy, việc cử hành Năm Thánh mới đưa lại kết quả thực sự và lâu bền.

—-

[1] Sách Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Carl Bernstein, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, trang 309-310).

[2] Sách đã dẫn ở trên, trang 23

[3] xem Ký sự của Stefan Kafor trong tạp chí Life, tháng 10-1989.

[4] Xem sách đã dẫn, trang 503

[5] Xem Sách đã dẫn trang 835-836