Bài 71: Thế giới quỷ thần theo Do-thái giáo

print

Bài 71 : Thế giới quỷ thần theo Do-thái giáo

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật X Thường Niên, các kinh sư Do-thái đã tố cáo Đức Giê-su là kẻ bị quỷ vương Bê-ên-dê-bun và thần ô uế ám và đã dùng sức mạnh của tà thần mà trừ quỷ. Đáp lại, Đức Giê-su đã nói đến Xa-tan và vương quốc của nó. Trong bài học hỏi lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về “Thế giới quỷ thần theo Do-thái giáo”.

I. Từ ngữ và danh xưng

1. Trong tiếng Híp-ri, có một số hạn từ dùng để chỉ ma quỷ tà thần

– šed sêđ (שֵׁד) : là từ Híp-ri được dịch là “quỷ” (Đnl 32,17 ; Tv 105,37).

– śāʿîr sa-ir (שָׂעִיר) : sát nghĩa là “kẻ lông lá”, luôn được dùng ở số nhiều để chỉ quỷ thần và được dịch là “các thần dê” có lẽ vì con dê thì lông lá (Lv 17,7 ; 2 Sb 11,15).

– Trong Kinh Thánh Híp-ri, có hai danh xưng quỷ thần được gọi như tên riêng, đó là A-da-dên (עֲזָאזֵל) trong Lv 16,8.10.26. A-da-dên là quỷ của những vùng hoang vu. Vào ngày “lễ Đền Tội” một trong các con dê làm hy lễ sẽ bị đuổi vào sa mạc làm mồi cho quỷ A-da-dên (Lv 16,8.10.26). Một tên gọi nữa là quỷ Li-lít (לִילִית) trong Is 34,14, là một thứ quỷ cái liên quan đến chuyện tính dục.

– Một số tên gọi khác trong Cựu Ước được nhân cách hoá để chỉ các thứ quỷ thần như re-sép : “sốt rét” ; đe-ber : “ôn dịch” (Kb 3,5) ; a-lu-qah : “con đỉa” (Cn 30,15), ma-vét : “tử thần” (Is 28,15.18 ; Gr 9,21)

– Danh từ ru-akh : “thần khí” có lúc được dùng để chỉ một nhân vật xấu xa gian tà, như “thần khí xấu” (1 Sm 16,15), “thần khí dối trá” (1 V 22,21-23).

– Danh từ mas-khit : “Thần Tru Diệt” (Xh 12,23) ám chỉ một dạng quỷ thần chuyên gieo rắc chết chóc tàn phá ; rồi danh từ mis-la-khat mà Tv 78,49 gọi là “hung thần”, còn từ e-li-lim là “thần hư ảo” (Tv 95,6).

2. Trong tiếng Hy-lạp

– Đai-mo-ni-on (δαιμόνιον) “quỷ” là danh từ chung nhất chỉ các quỷ thần. Trong Tb 3,8 đi liền danh từ Daimonion là một tên riêng : “Át-mô-đai-ô” (Ἀσμοδαῖος). Đây là danh tánh của tên quỷ đã 7 lần hại chết các chàng rể cưới cô Xa-ra ngay trong đêm tân hôn.

– Bê-li-a là tên gọi thánh Phao-lô nhắc đến trong 2 Cr 6,15. Bê-li-a gốc tiếng Híp-ri có nghĩa là vô tích sựhư không, là nhã ngữ chỉ Xa-tan hoặc ngẫu tượng.

– Pneu-ma : “thần, thần khí” thường áp dụng cho “các thần dữ” (Mt 8,16 ; 9,33 ; Lc 9,39 ; 1 Ga 4,1-3). Ở 1 Pr 3,19 : Pneumata “các thiên thần sa ngã” (1 Pr 3,19).

– Từ pneu-ma ghép với một tính từ, như : “thần ô uế” (Mt 10,1 ; Mc 1,23 ; Lc 8,29 ; Cv 5,16 ; Kh 16,13) ; “thần dữ” (Mt 12,45) ; “thần khí lừa dối” (1 Tm 4,1) ; “thần khí làm cho sai lầm” (1 Ga 4,6) ; “quỷ câm” (Mc 9,17) ; “thần câm điếc” (Mc 9,25) ; “thần bói toán” (Cv 16,16) ; “thần khí của ma quỷ” (Kh 16,14) ; “thần trí của thế gian” (1 Cr 2,12) ; “thần của đời này” (2 Cr 4,4) ; “quỷ thần ô uế” (Lc 4,33).

II. Quỷ thần theo Do-thái giáo

1. Cựu Ước

Niềm tin tôn giáo của Ít-ra-en cổ đại không bao giờ đặt vấn đề sự hiện hữu của các hữu thể siêu nhiên độc ác, nhưng nhận biết quyền thống trị tuyệt đối của Thiên Chúa. Do đó, niềm tin ấy không cổ vũ, cũng chẳng bắt buộc triển khai sâu rộng suy tư tôn giáo về lãnh vực này. Trong Cựu Ước, quỷ thần tự bản chất không xấu xa, nhưng đúng hơn chỉ xấu khi tác động đến con người.

Trong lịch sử Ít-ra-en, mối quan tâm đến vấn đề sự ác tăng dần và ngày càng tập trung hơn nhắm đến hoạt động của các hữu thể siêu nhiên xấu xa.

Theo Cựu Ước, người ta cho rằng thiện và ác đều xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và Quan Phòng muôn loài muôn vật. Không có quan niệm nhị nguyên như ở một số tôn giáo và theo triết học Hy-lạp. “Thần khí dối trá không hành động tự ý mình, nhưng được Thiên Chúa phái đến” (x. 1 V 22,21-23) ; chẳng hạn “thần khí xấu” đã ám vua Sa-un (1 Sm 16,15.23), “Thần Tru Diệt” đã giết các con đầu lòng của người Ai-cập (Xh 12,23 ; Tv 78,49). Ngay cả Xa-tan (chỉ được nói đến ở sách Gióp, sách Da-ca-ri-a và 1 Sử biên niên) không được kể là xấu xa ở bất cứ chỗ nào, nhưng đúng hơn rằng Xa-tan chỉ hành động khi được Thiên Chúa cho phép (G 1,11-13 ; 2,5). Là một nhân vật quỷ quái, Xa-tan hành động với tư cách là công tố viên của triều đình Thiên Chúa (G 1,9-11 ; Dcr 3,1) và là một kẻ cám dỗ người ta phạm tội (x. St 14,7).

Theo y học ở Cận Đông Cổ và Do-thái giáo, nói chung người ta gán cho quỷ thần giữ một vai trò quan trọng trong việc truyền bệnh (2 Sm 24,15-17 ; 2 V 19,25 ; G 2,7). Theo Lv 14,2-9 bệnh ngoài da hiển nhiên do một quỷ gây ra, quỷ này phải được khử trừ bằng một con bò cái tơ. Ý niệm này còn tiếp tục trong thời Tân Ước, thể hiện qua kiểu nói “quỷ làm cho tàn tật” (Lc 13,11) trong trường hợp người đàn bà bị còng lưng, bà được mô tả là bị Xa-tan trói buộc 18 năm.

Cuối cùng, hình như người Ít-ra-en Cổ Đại không quá sợ hãi quỷ thần và các ảnh hưởng xấu của quỷ thần. Có nhiều bản văn cho thấy các nhân vật quỷ quái được tôn sùng và nhận hy lễ : Đnl 32,17 ; Tv 106,37 ; Lv 17,7 ; 2 Sb 11,15.

2. Thời Đức Giê-su

Đức Giê-su và các Ki-tô hữu thời sơ khai đã coi quỷ thần là kẻ thù thật sự và đầy mãnh lực đối với con người. Trong Tân Ước và nơi Ki-tô giáo sơ khai, quỷ thần luôn bị coi là thần dữ. Hoạt động chủ yếu của quỷ thần là ám nhập và khống chế con người, gây ảnh hưởng xấu nơi họ.

Nói chung các sách Tin Mừng cẩn thận phân biệt giữa bệnh tật và quỷ ám. Ở Lc 13,32 Đức Giê-su nói rõ sứ vụ của Người là trừ quỷ và chữa lành bệnh tật.

Các sách Tin Mừng có 6 trình thuật kể Đức Giê-su trừ quỷ cho

1/ Người bị quỷ ám ở hội đường (Mc 1,23 và ss) ;

2/ Người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20 và ss) ;

3/ Con gái người phụ nữ Phê-ni-xi (Mc 7,24-30) ;

4/ Người bị quỷ ám mắc bệnh động kinh (Mc 9,14-29 và ss) ;

5/ Người bị quỷ ám (Mt 9,32-34) ;

6/ Người bị quỷ câm và điếc ám (Mt 12,22tt và ss).

Có thể kể thêm người phụ nữ bị còng lưng, nếu coi là do quỷ ám.

Mặc dầu các sách Tin Mừng đôi lần nói đến các môn đệ trừ tà, như Mc 3,14 ; 11,6-7 ; Lc 10,17-20 ; Mc 16,17 ; Mc 9,11, nhưng chỉ có một lần duy nhất ở Cv 16,16-18 kể ông Phao-lô trừ tà cho một người tớ gái.

Dựa vào các tường thuật trừ tà trong Tân Ước, người ta thấy có các triệu chứng nơi người bị quỷ ám : 1/ Nói xàm mất trí (Mc 1,24) ; 2/ Hành vi tự hại mình (Mc 5,5) ; 3/ Hành vi không mặc quần áo chống lại xã hội (Lc 8,35) ; 4/ Ngã vật xuống (Mc 1,26 ; 9,18-20) ; 5/ Bị câm (Mc 9,25) ; 6/ Bị điếc (Mc 9,25) ; 7/ bị mù loà (Mt 12,22) ; 8/ hành động ngoài ý muốn do quỷ sai khiến (Cv 16,16-18).

Các nhà pháp thuật và các nhà trừ tà Do-thái và ngoại giáo thường có những công thức trừ tà. Còn Đức Giê-su thì dùng lời nói đơn giản ra lệnh cho quỷ và nạn nhân được khỏi ngay (x. Mc 1,25 ; 5,8 ; 9,25). Đức Giê-su không coi việc trừ tà tự nó là việc chữa khỏi hoàn toàn, trừ phi tà thần phải được thay thế bằng một việc tốt hơn (x. Mt 12,43-45). Sứ vụ trừ tà của Đức Giê-su tự nó không phải là một mục đích, cũng không phải chỉ do lòng trắc ẩn của Người thúc đẩy để cứu những người đang đau khổ vì bị quỷ ám. Đức Giê-su đã quả quyết ở Lc 11,20 thật rõ ràng : Người trừ quỷ để cho thấy đó là dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã đến. Phải coi toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su là một cuộc chinh phục Xa-tan hay khuất phục ma quỷ (Lc 10,18 ; Ga 12,31).

Một số người chống đối ông Gio-an Tẩy Giả đã tố cáo ông bị quỷ ám (Mt 11,28) và một cáo buộc tương tự cũng nhắm vào Đức Giê-su (Ga 7,20 ; 8,48-53). Các nhà lãnh đạo Do-thái, các đối thủ của Đức Giê-su, tố cáo “Người bị quỷ vương Bê-ên-dê-bun ám và dùng thế Bê-ên-dê-bun mà trừ quỷ” (Mc 3,22). Những lời tố cáo này nhằm gián tiếp nói rằng Đức Giê-su là một nhà pháp thuật hay phù thuỷ, và nhờ kiểm soát được các năng lực siêu nhiên, Người có thể làm phép lạ chữa lành bệnh tật và trừ tà.

Mc 6,14-16 cho biết vua Hê-rô-đê và phe của ông nghĩ rằng “Đức Giê-su là Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy nên mới có quyền năng làm phép lạ”. Có lẽ họ đã dựa vào quan niệm Do-thái và Hy-la, quỷ thần là linh hồn của những người chết.

Trong khi Đức Giê-su không sử dụng công thức trừ quỷ có sẵn để trừ tà, còn các môn đệ của Giê-su thì dùng danh Người để trừ khử quỷ thần (Lc 10,17 ; Cv 16,18). Danh Đức Giê-su là một phương thế hữu hiệu để kiểm soát quỷ thần ; chính các nhà trừ quỷ Do-thái không thuộc nhóm môn đệ của Đức Giê-su cũng dùng danh Người làm công thức trừ quỷ (Mc 9,38 ; Cv 19,13).

Cầu nguyện

Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao

và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,

hãy thưa với CHÚA rằng :

“Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,

là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.”

Chính Chúa gìn giữ bạn

khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc.

Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân :

lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ.

Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng

hay mũi tên bay giữa ban ngày,

cả dịch khí hoành hành trong đêm tối,

cả ôn thần sát hại lúc ban trưa.

Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã,

dù hai bên có chết cả vạn người,

riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn.

Mở mắt coi, bạn liền thấy rõ

thế nào là số phận bọn ác nhân.

Vì bạn có CHÚA làm nơi trú ẩn,

có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân.

Bạn sẽ không gặp điều ác hại,

và tai ương không bén mảng tới nhà,

bởi chưng Người truyền cho thiên sứ

giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,

và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng

cho bạn khỏi vấp chân vào đá.

Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc,

đạp nát đầu sư tử khủng long.

Chúa phán : “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,

người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.

Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại

lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.

Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự,

cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy

và hưởng ơn cứu độ Ta ban.” (Tv 91)