Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm A

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm A

 Chúa Kitô Nước Hằng Sống

 

Các bài đọc Tin mừng năm A, sau các trình thuật về sự cám dỗ và hiển dung, vốn vẫn theo truyền thống vào hai Chúa nhật đầu tiên. Các Chúa nhật kế tiếp trích từ Tin mừng Gioan, trình bày ý nghĩa sâu xa của các dấu chỉ, giúp chúng ta suy niệm về các mầu nhiệm của ơn cứu độ là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, đồng thời mời gọi chúng ta tham gia vào những mầu nhiệm ấy qua bí tích rửa tội.

 

BÀI ĐỌC 1: Xh 17, 3-7

Mặc dù các bài đọc Cựu ước của Mùa Chay trong cả ba năm tạo nên một chuỗi độc lập làm nổi bật những khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử cứu độ của Israel, thì riêng bài đọc hôm nay cũng rất phù hợp với bài Tin Mừng, nơi Chúa Giêsu hứa với người phụ nữ Samari nước hằng sống.

 

Trong khí hậu nắng nóng và khô ráo của Palestine, nước là một nhu cầu thiết yếu của sự sống, vì vậy khi dùng hình ảnh này để làm dấu chỉ bí tích thì thật thích hợp và gần gũi với diễn từ về nước hằng sống của Gioan được thuật lại trong bài Tin Mừng. Trong 1 Cr 10, Phaolô cũng sử dụng một đoạn nói đến tảng đá trong Xuất hành 17, như một kiểu loại của bí tích Kitô giáo (cụ thể đoạn đó liên quan đến thức uống linh thiêng).

 

Nhưng bài đọc này nhấn mạnh đến một ý tưởng khác, được Thánh vịnh đáp ca nhắc lại (Tv 95, 8). Thánh vịnh này lấy chủ đề về sự cứng lòng của dân Israel trong thời gian vượt qua sa mạc: “Đừng cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc”, gợi nhớ đến Xuất hành 17, 7: “Ông đặt tên cho nơi ấy là Maxa và Mơriva, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Israel đã gây sự và thử thách Đức Chúa”.

 

Điều đáng chú ý là thư gửi tín hữu Hípri (Hr 3, 7- 4,11) đã lấy chủ đề của Thánh vịnh 95 và sử dụng làm chất liệu căn bản cho một lời khích lệ các Kitô hữu Do Thái tại Rôma. Họ đã là những Kitô hữu trong hơn một thế hệ. Dòng nhiệt huyết ban đầu đang dần tan biến, và họ thấy đời sống Kitô hữu thật nặng nề  mệt mỏi. Tác giả bức thư so sánh tình trạng của họ với dân Israel năm xưa nơi hoang địa, những người cũng đang gặp khó khăn và chán nản.

 

ĐÁP CA: Tv 95,1-2, 6-7, 8-9

Tác giả Thánh vịnh bắt đầu bằng một lời mời gọi mọi người ca ngợi Đức Chúa (câu 1-2), Vua vũ trụ, cũng là Thiên Chúa của mọi người. Trong các câu 6-7, ông cũng đưa ra lời kêu gọi hãy thờ phượng Chúa vì Ngài là Thiên Chúa trung thành của dân Ngài; Ngài nuôi dưỡng và hướng dẫn dân như một mục tử tốt chăm sóc chiên của mình. Tiếp theo lời mời gọi, Đức Chúa ngỏ với dân riêng của Ngài trong “ngày hôm nay”. Ngài nhắc bảo họ phải luôn thành tâm trong sự tin tưởng và thờ phượng Đức Chúa và đừng bắt chước thế hệ những người năm xưa trong thời Xuất hành. Họ đã thử thách Thiên Chúa và nổi loạn chống lại đường lối của Ngài trong hành trình sa mạc hướng về Đất Hứa.

 

Các Kitô hữu đọc Thánh vịnh này nên coi đó là một lời cảnh báo để tránh lặp lại cuộc nổi loạn của Israel ở nơi hoang địa (Tv 78; Xh 17,17), để những gì xảy ra với thế hệ đó sẽ không tái diễn với những người ca ngợi Chúa hôm nay (c. 10; Ds 14, 30, 34). Thử thách Thiên Chúa hoặc chống lại Ngài để thăm dò lòng tốt và sự trung tín của Ngài, như thể những công trình của Ngài trong quá khứ vẫn chưa đủ, là một hành động bất tuân. Thư gửi tín hữu Hípri đưa ra một lời bình luận về những câu này và trình bày chúng như được nói bởi chính Chúa Thánh Thần (x. Tv 95, 8-11 trong Hr 3, 6-11). Dân Israel thuộc thế hệ Xuất hành, những người thử thách Thiên Chúa đã không được vào Đất Hứa và phải chết trong hoang địa (Ds 14, 20-33). Chúa tiếp tục cảnh báo chúng ta với lời phán xét tương tự, mà hậu quả là không được vào “chốn yên nghỉ” của Ngài, có nghĩa là sự yên nghỉ muôn đời mà Ngài hứa ban, đó là Nước Thiên Đàng (Mt 11, 28-29). Mỗi người chúng ta hãy lắng nghe lời cảnh báo của Chúa, luôn cố gắng sống trung thành để chúng ta không theo gương xấu của thế hệ Xuất hành vô ơn và bất trung (Hr 3, 6-11; 4, 8-11).

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 5,1-2, 5-8

Trong thư Rôma từ 3,21 đến chương 4, Phaolô giải thích hành động của Thiên Chúa trong Chúa Kitô với ngôn từ phong phú về sự công chính nhờ đức tin. Sang chương 5, tức là trong bài đọc 2 hôm nay, ngài tóm kết những biện luận của mình (“Vậy một khi đã được nên công chính nhờ đức tin”) và trình bày những hệ quả của ơn ấy: được bình an với Thiên Chúa, được tiến vào hưởng ân sủng, được vui mừng mà cậy trông chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Nền tảng của tất cả những điều này là nhờ Thánh Thần đã được ban cho chúng ta. Ơn công chính và ơn được Chúa Thánh Thần lưu ngụ thực sự chỉ là một và cùng một tác động. Khi một người nhận được ơn ban của Thần Khí, người ấy được nên công chính. Và khi một người được nên công chính thì đích thị họ đã nhận được ơn ban bởi Chúa Thánh Thần.

 

Phaolô giảng về ơn công chính, mặc dù phức tạp và đôi khi khó hiểu, nhưng trích đoạn này lại khá rõ ràng. Ngài nói với các Kitô hữu ở Rôma rằng họ đã được nên công chính thông qua hành động của người khác; họ không thể tự mình nên công chính. Bản thân từ ngữ này (dikaióo) đã mang một ý nghĩa chỉ sự tương quan. Ơn công chính dựa trên sự công chính bắt nguồn từ Thiên Chúa, một sự công chính mang lại và duy trì sự sống, sự an bình và hạnh phúc. Con người được cho là công chính khi họ tôn trọng và cổ vũ sự sống, hòa bình và hạnh phúc đã được Thiên Chúa ban. Nói đúng ra, họ chỉ có thể thực hiện được những điều này nếu họ sống mối tương giao mật thiết với Chúa và thông qua mối tương giao này, họ được chia sẻ chính sự công chính của Thiên Chúa.

 

Theo Phaolô, tự mình chúng ta không có quyền sống mối tương giao này với Thiên Chúa. Hồng ân đó được trao ban cho chúng ta, được giành lại cho chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô. Trên thực tế, chúng ta thậm chí không xứng đáng bởi vì chúng ta là tội nhân, nghĩa là phải xa cách Thiên Chúa.  Đằng này, Chúa Kitô lại chết cho chúng ta, mở lối cho chúng ta hưởng ân sủng của Người, và đặt chúng ta vào mối tương giao thân thiết với Thiên Chúa. Phaolô cố gắng giải thích ý nghĩa đáng kinh ngạc của hành động này khi ngài nói rằng, hầu như không có ai chết cho một người công chính; còn chết cho một người bất lương là điều gần như không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, đó lại là những gì Chúa Kitô đã làm. Người chết cho chúng ta trong khi chúng ta còn là tội nhân; Người chết cho chúng ta trước khi chúng ta được nên công chính, và cái chết của Người mở lối cho chúng ta về với Chúa.

 

TIN MỪNG: Ga 4, 5-42

Nhiều chủ đề xen lấn nhau trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari. Chúng ta sẽ thấy những bước tiếp diễn như sau:

(1) Chúa Giêsu xin nước uống, dẫn đến việc Người tuyên bố ban nước hằng sống;

(2) Chúa Giêsu bảo người phụ nữ gọi chồng mình, dẫn đến việc phơi bày chuyện hôn nhân quá khứ của chị (mà một số người coi đây là một ám chỉ về Sách Thánh của người Samari, chỉ có năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước);

(3) Người phụ nữ thay đổi cuộc trò chuyện, lấn sang việc tranh luận vốn có giữa người Do Thái và người Samari, về nơi thích hợp để thờ phượng Thiên Chúa, là cơ hội để Chúa tuyên bố về việc thờ phượng đích thật trong thần khí và sự thật;

(4) Người phụ nữ cho rằng những tranh luận về việc thờ phượng sẽ được giải tỏa khi Đấng Cứu Thế đến, dẫn đến lời Chúa Giêsu tuyên bố Người là Đấng Messia;

(5) Người phụ nữ bỏ đi để gọi bạn bè đến gặp Chúa Giêsu. Câu chuyện bị gián đoạn bởi phân đoạn thứ sáu, và được tiếp tục sau đó trong phần trình thuật nói về nhiều người Samari tin vào Chúa Giêsu; và cuối cùng, chủ đề thứ năm được chêm vào giữa hai phân đoạn này,

(6) Các môn đệ trở về với Chúa Giêsu và các ông cảm thấy bối rối vì Chúa không dùng thức ăn các ông đã chuẩn bị, dẫn đến việc Người tuyên bố thức ăn của Người là làm theo ý muốn của Chúa Cha. Tiếp theo là những câu nói về việc thu hoạch mùa màng, chuẩn bị cho việc trở lại sau này của những người Samari.

Bài đọc ngắn bỏ hai phần (2) và (6).

Có nhiều lý do tại sao các học giả hiện đại không coi các diễn từ và những cuộc đối thoại của Gioan là những thủ bản nguyên thủy ghi lại những gì Chúa Giêsu thực sự tuyên bố trong hành trình sứ vụ của Người. Có thể có một mấu chốt ban đầu cho câu chuyện này, trong đó Chúa Giêsu gặp một người phụ nữ Samari và xin chị ấy cho nước uống, dẫn đến một số lời Người tuyên bố về sự sắp xuất hiện triều đại Thiên Chúa. Nhưng chủ điểm ban đầu đã bị lấn lướt, và câu chuyện như hiện tại đã được mở rộng để bao quát nhiều chủ đề mà cộng đoàn của ông Gioan quan tâm. Những chủ đề được đưa ra chủ yếu là những thành quả của sứ vụ rao giảng cho người Samari, nhưng cũng là những chủ đề thể hiện sự giải thích của tác giả Tin mừng, ngài tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng đến để mặc khải cuối cùng về Thiên Chúa. Nhìn chung, chúng ta phải coi cuộc đối thoại như một suy tư Kitô giáo về ý nghĩa của Chúa Giêsu trong đức tin: Người là Đấng mang đến ơn cứu rỗi; Người vạch trần tội lỗi của con người; Người khai mở hành vi thờ phượng Thiên Chúa đích thật, cũng là nâng cao mọi cách tiếp cận của con người đến với Thiên Chúa, và là một sự thờ phượng trong tinh thần và chân lí, một sự thờ phượng dựa trên Tin Mừng.

Chính bởi vì Chúa Giêsu là Đấng mang đến sự mặc khải cuối cùng về Thiên Chúa mà Người lôi kéo tất cả mọi người đến với Người, nghĩa là Người là Đấng cứu chuộc trần gian.

—-

            LIÊN KẾT VỚI GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH

+  GLHTCG 1214-1216, 1226-1228: Bí tích Rửa tội, sự tái sinh bởi nước và Thánh Thần

+ GLHTCG 727-729: Chúa Giêsu mặc khải Chúa Thánh Thần 

+ GLHTCG 694, 733-736, 1215, 1999, 2652: Chúa Thánh Thần, nước sự sống, hồng ân của Thiên Chúa

+ GLHTCG 604, 733, 1820, 1825, 1992, 2658: Thiên Chúa khởi xướng, đức cậy nhờ Chúa  Thánh Thần

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

print