Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm B

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng Mùa Chay là thời gian thuận tiện để dọn dẹp Đền thờ tâm hồn của mình, để rồi chúng ta có thể cử hành sự thờ phượng đích thực như Chúa muốn. Phụng tự mới đòi hỏi chúng ta trước hết phải có ước muốn thống hối chân thành và một tâm hồn tinh trong, điều chỉ có thể thực hiện với ơn Chúa giúp.

 

BÀI ĐỌC 1: Xh 20,1-17

Ý nghĩa của Mười Điều răn

Mười điều răn không phải là những luật lệ hà khắc, mà là một lời mời gọi đối với dân Israel, chỉ cho họ cách trở thành dân Thiên Chúa: nếu anh muốn ở gần Thiên Chúa, anh phải cư xử sao cho phù hợp với bản tính riêng của Ngài. Các giới răn này đi theo một trật tự đối lập với các ưu tiên của thế giới vật chất trần gian. Thiên Chúa phải đặt trước hết, sau đó mới đến các giá trị con người, và giá trị sự vật; và sở hữu chỉ đứng cuối cùng. Chúng ta cần nghĩ về các điều răn không phải là những cấm đoán mà là thể hiện những giá trị tích cực. Vì vậy, “coi ngày sabát là thánh” hàm ý tôn trọng việc tự do thờ phượng và tự do nghỉ ngơi. “Hiếu kính cha mẹ” không chỉ bao gồm việc con cái vâng lời cha mẹ, mà còn là sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái, và của con cái trưởng thành đối với cha mẹ già yếu, cũng như việc bảo tồn các giá trị khác của gia đình. “Không ngoại tình” có nghĩa là nuôi dưỡng sợi dây hôn nhân và không ngừng củng cố nó. “Không được làm chứng gian” bao gồm quyền tự do ngôn luận và danh tiếng tốt, không bị vu khống, không bị tẩy não hoặc xuyên tạc bởi hệ thống trường học hoặc các phương tiện truyền thông. Nhiều khoản trong bản luật này bắt nguồn từ các bộ luật cổ khác, nhưng đối với Israel, thập giới có một ý nghĩa hoàn toàn khác, vì ở đây chúng là những bản hướng dẫn để sống dưới sự bảo vệ của Đức Chúa và trong đoàn dân của Ngài.

 

ĐÁP CA: Tv 19,8-11

Ca tụng Luật Chúa

 Thánh vịnh này là một Thánh vịnh khác của vua Đavít. Nội dung mô tả Luật pháp của Đức Chúa bằng cách sử dụng bảy từ đồng nghĩa: hoàn hảo, đáng tin cậy, đúng đắn, rõ ràng, thuần khiết, chân thật và công bình. Luật Chúa là một món quà nhằm đem lại hạnh phúc cho cuộc đời người ta và công bố sự vinh hiển của Thiên Chúa. Những hướng dẫn của luật pháp mang lại lợi ích cho những ai tuân theo các giới luật và điều răn của nó. Trong câu 9, “lòng kính sợ Chúa” là một phần của luật pháp, truyền lệnh cho con người phải tôn kính, tuân phục Thiên Chúa và lo sợ xúc phạm đến Ngài. Sống theo luật pháp là một phần thưởng lớn hơn bất cứ điều gì mà thế giới vật chất có thể đem lại. Chúa là Đức Chúa sẽ ban thưởng cho đức tin và sự tuân giữ Luật pháp. Ngài là tác giả của Luật, vốn có “những lời đem lại sự sống đời đời.”

Cũng như Thiên Chúa đã tạo dựng mặt trời để đem lại ánh sáng, để cho chúng ta có thể chiêm ngắm và ca tụng công trình sáng tạo của Ngài, thì Thiên Chúa cũng ban giáo huấn của Ngài chứa đựng trong Lề Luật và các Điều Răn để chúng ta được soi sáng mà tiến bước trong sự thật vốn phản chiếu sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa” (x. ĐGH Gioan Phaolô II, buổi Tiếp kiến chung ngày 30 tháng giêng, năm 2002).

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 1,22-25

Quyền năng và sự khôn ngoan đích thực

Bài đọc này nói về quyền năng và sự khôn ngoan đích thực: Người Do Thái đòi hỏi phép lạ (hành động thể hiện quyền năng) và người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Đây là hai thước đo thành công theo tiêu chuẩn tự nhiên của xã hội vật chất hiện đại của chúng ta. Quyền lực thể hiện dưới hình thức của cải, quyền hành, mệnh lệnh, tư cách ông chủ. Sự khôn ngoan đạt được sự tôn trọng và danh tiếng dành cho một người: họ thực hiện những quyết định đúng đắn. Nhưng những thứ này ở đâu nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh? Người là một tù nhân không có quyền hành, bị tra tấn khủng khiếp, bị chế giễu và sỉ nhục. Người không chỉ huy ai. Không ai dành sự tôn trọng nào cho một tù nhân bị tra tấn. Các tiêu chuẩn của Thiên Chúa thì khác, và chúng ta đã nghe dưới dạng các điều răn trong bài đọc thứ nhất. Chính những tiêu chuẩn này đã đưa Chúa Giêsu đến cuộc Khổ nạn, vì đây là những tiêu chuẩn mà Người đã sống và tỏ cho mọi người bằng cách sống và hành động trọn vẹn như vậy. Đây là Vương quyền của Thiên Chúa mà Người đã đến để công bố và truyền bá. Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta đã nghe thấy những tiêu chuẩn khắt khe, tích cực để trở thành con cái trong đoàn dân của Chúa. Và bây giờ, trong bài đọc thứ hai này, chúng ta nhận được sức mạnh và sự an ủi từ lời trấn an về hình mẫu Chúa Kitô, lý tưởng duy nhất của người Kitô hữu chúng ta.

 

TIN MỪNG: Ga 2,13-15

Thanh tẩy Đền thờ

Bài đọc xoay quanh chủ đề đền thờ. Những hành động của Chúa Giêsu ở đó là lời tiên tri được thực hiện và lời nói của ngài là lời tiên tri. Toàn bộ đoạn văn được đóng khung trong một bối cảnh quy chiếu đến dịp kỷ niệm lễ Vượt Qua của người Do Thái ở Giêrusalem, biến cố giải thoát  dân Israel (cc.13,23).

Thoạt nhìn, có vẻ như sự giận dữ của Chúa Giêsu được khơi dậy bởi sự xói mòn hình ảnh tôn nghiêm của đền thờ và sự suy giảm lòng nhiệt thành tôn giáo mà quang cảnh này tỏ lộ. Đồng tiền La Mã, đơn vị tiền tệ thời đó, được in dấu cái đầu của Caesar và đôi khi có hình ảnh các vị thần ngoại giáo. Điều này khiến nó trở nên không thích hợp cho việc sử dụng trong đền thờ, vì vậy việc đổi tiền trở nên cần thiết. Người Do Thái đến từ khắp nơi trên thế giới để tham dự các dịp lễ lớn, có lẽ không mang theo động vật để hiến tế. Như vậy người bán đã cung cấp một dịch vụ cần thiết. Tất cả những điều này diễn ra trong khuôn viên đền thờ, một khu vực rộng lớn bao gồm toà ngoại viện và cung đường dân ngoại nhưng không phải là khu nội vi  hay bên trong đền thờ.

Hai từ chỉ đền thờ được sử dụng trong đoạn văn này. Từ ngữ hierón chỉ xuất hiện khi có ý nói đến  toàn bộ khu vực đền thờ (cc. 14, 15), còn Chúa Giêsu sử dụng từ naós khi Người nói đến thân thể của Người (cc. 19,21). Các nhà chức trách Do Thái nhầm lẫn sử dụng naós theo nghĩa chung chung, còn Chúa Giêsu sử dụng nó ở đây hàm ý rất đặc biệt.

Tại sao Chúa Giêsu lại giận dữ như vậy? Người cáo buộc những kẻ buôn bán đã biến đền thờ thành một khu chợ. Nhưng một phần của nó thực sự là một nơi trao đổi. Các giao dịch là hợp pháp, chúng được thực hiện trong khu vực riêng thích hợp, và công việc này là những hỗ trợ thiết yếu cho sinh hoạt của đền thờ. Lời giải thích về hành vi của Người được tìm thấy cả trong lời gợi ý đến một đoạn văn của ngôn sứ Dacaria (14,21), vị đã nói rằng vào thời kỳ cuối cùng sẽ không cần đến những người buôn bán trong nhà của CHÚA, và trong một bài Thánh vịnh được các môn đệ ghi nhớ. Văn bản sau nói rằng lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa khiến người viết Thánh vịnh dễ bị người khác khinh bỉ và lạm dụng (Tv 69, 10).

Với hành động và lời nói của mình, Chúa Giêsu tuyên bố hai điều. Trước tiên, khi xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, Người thông báo rằng thời điểm ứng nghiệm đã đến. Thứ hai, việc xác định Thiên Chúa là Cha của Người khẳng định quyền của Người khi đưa ra đòi hỏi như vậy và hành động theo quyền đó.

Người Do Thái, rất có thể là giới chức quản lý đền thờ, yêu cầu Chúa Giêsu phải đưa ra thêm lời biện minh cho hành động của mình. Khi Người sử dụng từ naós để chỉ đền thờ hoặc nơi tôn nghiêm đích thực, ám chỉ đến thân thể của Người, Chúa Giêsu báo trước cái chết và sự phục sinh của mình. Điều này ứng hợp với lời ám chỉ của Dacaria trước đó và việc thay thế hi lễ đền thờ bằng hiến tế của chính Người. Những đối thủ của Người hiểu những lời nói này theo nghĩa đen và nghĩ rằng Người nói về ngôi đền mà họ đang đứng trong đó và vẫn còn đang trong quá trình xây dựng. Cuộc gặp gỡ này kết thúc với một tuyên bố thứ hai về hành động các môn đệ nhớ lại. Nó đòi hỏi kinh nghiệm của họ về Chúa Phục sinh để họ có thể hiểu sâu hơn về câu nói cuối cùng này.

Bài đọc kết thúc bằng cách chơi chữ về từ ngữ “tin”. Các môn đệ tin vào Kinh Thánh (c. 22); nhiều người đã tin khi họ nhìn thấy những dấu lạ mà Chúa Giêsu làm (c. 23). Vậy mà Chúa Giêsu lại không đủ tin vào họ để có thể tin tưởng nơi họ. Với sự thấu hiểu của một vị Thiên Chúa, Người biết rõ lòng dạ hay thay đổi của con người.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 459, 577-582 : Đức Giêsu là Luật Mới

+ GLHTCG 593, 583-586 : Đền Thờ tượng trưng cho Đức Kitô; Người chính là Đền Thờ

+ GLHTCG 1967-1968 : Luật Mới hoàn tất Luật Cũ

+ GLHTCG 272, 550, 853 : Sức mạnh của Đức Kitô được mặc khải nơi thập giá

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung