Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Năm A

print

 Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Năm A

 Hôm nay là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Được gọi như thế bởi vì truyền thống phụng vụ mỗi Chúa nhật 4 Phục Sinh đều cho chúng ta đọc bài Tin Mừng của Gioan chương 10 nói về vị Mục Tử Nhân Lành. Chúa Phục Sinh đầy quyền năng và sức sống thể hiện nơi chính Người là Muc Tử chăn dắt đàn chiên của Người, khi Người nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11). Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi, đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập vào năm 1963. Năm nay là lần cử hành thứ 57.

 

BÀI ĐỌC 1: Cv 2.14, 36-41)

Những người trở lại đầu tiên

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã nghe ông Phêrô giải thích về biến cố Chúa Phục sinh như là sự hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được ghi trong Sách Thánh. Hôm nay chúng ta nhận thấy những kết quả thực tế diễn ra: Nhiều người đã chịu phép rửa để rửa sạch tội lỗi và đón nhận ơn huệ Thánh Thần, như chính Chúa Giêsu đã nhận trong phép rửa của Người. Ngay từ đầu, Luca đã cho thấy rằng phép rửa và những lời hứa là dành cho tất cả mọi người, không chỉ cho người Do Thái. Tất cả đều được đón nhận vào cộng đoàn của Chúa Kitô. Nhưng trước hết chúng ta phải hiểu ý của ông Phêrô (và trước ông là Chúa Giêsu và thậm chí cả Gioan Tẩy Giả) muốn ám chỉ sự sám hối mang ý nghĩa gì. Đó không phải là một hành vi sầu khổ để lau dọn tội lỗi. Nhưng là một nỗ lực liên lỉ biến đổi đời sống, một sự thay đổi triệt để các hệ giá trị vốn tồn tại bấy lâu. Từ ngữ Hy Lạp có nghĩa là thay đổi khung tư duy của mình. Còn tiếng Hípri tương ứng có nghĩa là quay vòng và đi theo hướng ngược lại. Đó là một công việc nghiêm túc, một dấn thân trọn vẹn, không được coi như chuyện lơ là. Chúng ta nghĩ rằng chính chúng ta đã cố gắng như thế trong bí tích rửa tội của mình, hoặc khi chúng ta ý thức mình gia nhập Giáo hội Chúa Kitô. Trong thực tế, một sự kiểm điểm bản thân kỹ lưỡng hơn sẽ giúp chúng ta nhận ra những góc khuất trong tâm hồn, nơi đó các tiêu chuẩn và quy mô giá trị cũ vẫn còn lẩn khuất, tác động và điều khiển chúng ta. Người Kitô hữu được rửa tội, được tháp nhập vào Chúa Kitô và vào trong cái chết của Người để sống lại, trong cuộc sống mới với Người. Nhưng ngay cả thánh Phaolô cũng thừa nhận rằng ngài vẫn bị cuốn theo việc làm điều bất thiện mà ngài muốn tránh.

 

ĐÁP CA: Tv 23

Thánh vịnh 23 có lẽ là Thánh vịnh được nhiều người yêu thích nhất trong tất cả 150 Thánh vịnh. Được cho là của Đavít, Thánh vịnh này diễn tả một suy tư cá nhân về mối tương giao gần gũi giữa tác giả và Thiên Chúa của mình. Thánh vịnh sử dụng hai hình ảnh ẩn dụ: Chúa là Mục Tử (cc. 1-4) và Chúa là Chủ bữa tiệc thánh (cc. 5-6). Ở vùng Cận Đông xa xưa và theo Kinh Thánh, hình ảnh người chăn chiên ám chỉ vua (2 Sm 5,2; Is 44,28; v.v.). Đó cũng là một hình ảnh được sử dụng để diễn tả vai trò của Thiên Chúa, là Vua thiêng liêng, Đấng bảo vệ và  xét xử dân giao ước của Ngài (Tv 28,9; Is 40,11; Ed 34,11-16).

Mô tả các công việc của người chăn chiên, có lẽ từ những kinh nghiệm của Đavít là người chăn chiên thời còn trẻ, tác giả cung cấp một bức tranh về mối tương giao của ông với Thiên Chúa khi ông nỗ lực sống một cuộc đời thánh thiện (cc. 2-3). Dưới sự hướng dẫn không ngừng của vị Mục Tử, tác giả cũng như dân Ngài là những con chiên trong đàn chiên của Chúa, được dẫn dắt với tình yêu thương và sự quan tâm dịu dàng. Vị Mục Tử để ý đến những nỗi sợ hãi và sự yếu đuối của dân, Ngài dẫn dắt họ đi đến, không phải nơi những dòng sông độc hại mà trong những dòng nước trong lành (con chiên luôn sợ chết đuối và chỉ uống nước suối trong). Sự chăm sóc dịu dàng của Mục Tử mang đến cho tác giả niềm tin rằng, với sự che chở của Chúa, ông sẽ đến được đồng cỏ xanh tươi trong nước Thiên Đàng (1 Pr 5,4; Kh 7,17). Ngay cả giữa những thử thách và đau khổ do kẻ thù gây ra, tác giả Thánh vịnh vẫn cảm thấy an toàn bởi vì ông tin cậy vào Chúa lãnh đạo và bảo vệ. Chủ tiệc đã chuẩn bị cho ông một bàn tiệc trong nhà Chúa để ông vào nghỉ ngơi. Tác giả Thánh vịnh ngập tràn cảm xúc khi ông nhận thấy cuộc đời ông được bao bọc bởi tình thương bao la hải hà của Chúa (cc. 5-6).

 

Đối với các Kitô hữu, Thánh vịnh này mang ý nghĩa đầy đủ trong câu nói của Chúa Giêsu: “Tôi là Mục tử nhân lành” (Ga 10,11, 14; Hr 13,20). Chúa Giêsu cũng kiện toàn hình ảnh chủ tiệc trong Tv 23,5 khi ở bàn Tiệc Li, Người là chủ bữa ăn thiêng liêng, lần đầu tiên hiến mình cho các môn đệ để trở thành Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu tiếp tục với vai trò là Chủ, hiến dâng mình trên bàn thờ mỗi ngày khi cộng đoàn cử hành Thánh lễ. Đó là một tiệc thánh, hướng về sau thì đó là Bữa Tiệc Li, hướng về trước là Bữa Tiệc thiêng liêng trong Vương Quốc Thiên Chúa (Mt 26,26-30; Lc 22,14-20; Mc 14,22-26; Kh 19,5-9).

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Pr 2.20-25

Noi theo mẫu gương của Chúa Kitô

Đoạn văn này được ngỏ với những người nô lệ là Kitô hữu trong cộng đoàn. Thánh Phêrô khích lệ họ chịu đựng sự đối xử hà khắc của các chủ nhân, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng sẵn lòng đón nhận sự đối xử bất công, đau khổ. Chế độ nô lệ đã bám sâu trong đời sống xã hội La Mã. Điều chúng ta có thể ghi nhận ở đây là tác giả không đặt vấn nạn về thể chế nô lệ hoặc tố giác sự bất công trong cách đối xử nghiệt ngã mà người nô lệ phải chịu. Nhưng không vì vậy mà Phêrô dung túng cơ chế này, và tất cả các tác giả Tân Ước khác cũng vậy. Khi thánh Phêrô trực tiếp khuyên nhủ các nô lệ Kitô hữu là ngài nhìn nhận phẩm giá của họ, cũng như đặt họ bình đẳng với các thành viên khác trong cộng đoàn. Trong lịch sử nhân loại thể chế nô lệ cũng như cơ cấu hành xử tồi tệ đi theo nó vẫn tồn tại. Cho dù ngày nay người ta đã đạt đến giai đoạn văn minh nào đó, thì những hình thức nô lệ khác lại xuất hiện, tinh vi hơn. Kitô giáo vẫn coi chế độ nô lệ là không phù hợp với giáo huấn của Chúa Kitô về phẩm giá và địa vị cao quý của mỗi con người. Giáo huấn xã hội của Giáo hội vẫn mời gọi các phong trào chính trị Kitô giáo nhận trách nhiệm mở rộng nguyên tắc về công bằng xã hội đến mọi cơ cấu xã hội. Tuy nhiên, cho dù nguyên tắc này có được thực hiện rộng rãi hơn thì mỗi người chúng ta đều có thể phải chịu một mức độ nào đó các bất công xã hội, và điều này có thể trở thành một cơ hội để chia sẻ sự đau khổ bất công của Chúa Cứu Thế. Đó là những đau khổ mang giá trị cứu chuộc. Và chắc chắn chúng ta cũng không được quên những đau khổ của tha nhân trong sự hiệp thông với Chúa Kitô. Người ta dễ dàng coi khinh những người nghèo khổ và những người hèn kém trong xã hội. Và người ta cũng thường quên mất rằng những thành phần kém cỏi này lại là những người được Chúa ưu ái hơn trong chọn lựa của Ngài.

 

TIN MỪNG: Ga 10,1-10

Hình ảnh người Mục Tử trong Kinh Thánh

Bản văn gồm ba hình ảnh nổi bật:

Ga 10,1-5: Hình ảnh người chăn chiên đích thực và kẻ trộm cướp

Ga 10,6-10: Hình ảnh cửa chuồng chiên

Ga 10,11-18: Hình ảnh người mục tử nhân lành

Ở Palestine, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề chăn nuôi chiên và dê. Hình ảnh những người mục tử dẫn đàn chiên của mình đến các đồng cỏ để đi chăn rất là quen thuộc, cũng như ngày nay chúng ta thấy những người thả vịt ngoài đồng trong các cánh đồng của chúng ta. Người ta thường sử dụng hình ảnh người chăn chiên để minh họa vai trò và chức năng của một người lãnh đạo dân chúng. Các tiên tri Cựu Ước thường chỉ trích các vị vua vì họ là những mục tử không quan tâm chăm sóc đàn chiên của họ và không dẫn đàn chiên đến đồng cỏ tươi tốt (Gr 2,8; 10,21; 23,1-2). Những lời phê phán đối với những mục tử vô trách nhiệm đã gia tăng, khi người ta nhận thấy rằng chính do lỗi lầm của các vị vua, mà người dân bị đẩy vào cảnh nô lệ, mất nước, nhà tan (Ed 34,1-10; Dcr 11,4-17).

Từ sự thất vọng dân chúng trải qua vì sự lãnh đạo kém cỏi của những mục tử tồi tệ, đã nảy sinh ước muốn và hy vọng một ngày nào đó dân sẽ có được một mục tử thật sự tốt lành và chân chính, giống như một vị Thiên Chúa chăn dắt hết thảy mọi người. Do đó, Thánh vịnh nói: “Chúa là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì!” (Tv 23,1-6; St 48,15). Các tiên tri đưa ra niềm hy vọng rằng trong thời gian tương lai, chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt đàn chiên của mình (Is 40,11; Ed 34,11-16). Họ cũng hy vọng rằng vào thời điểm đó, mọi người sẽ có thể nhận ra tiếng của vị Mục Tử: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95: 7). Họ hy vọng rằng Chúa sẽ đến với tư cách là Thẩm phán để xét xử các con chiên trong đàn chiên (Ed 34,17). Các tiên tri cũng ước mong và hy vọng một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ làm trỗi dậy những mục tử tốt, và rằng Đấng Messia cũng sẽ là một mục tử công minh chính trực cai quản đoàn dân Chúa (Gr 3,15; 23,4).

Chúa Giêsu hướng niềm hy vọng này thành hiện thực và thể hiện mình chính là Mục Tử nhân lành, khác với những kẻ trộm đến cướp phá đàn chiên. Người cũng cho thấy mình là một Thẩm phán, vào thời cuối cùng trong tư cách một mục tử sẽ xét xử mọi người, như người ta tách biệt chiên ra khỏi dê (Mt 25,31-46). Trong Chúa Giêsu lời tiên tri Dacaria được ứng nghiệm, vị đã nói rằng người mục tử tốt sẽ bị bách hại, sẽ phải gánh chịu những lời tố cáo bất công: “Hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác!” (Dcr 13,7). Cuối cùng Chúa Giêsu là tất cả: Người là cửa, là mục tử và là con chiên!

Cộng đoàn của người Môn đệ Yêu dấu: cởi mở, khoan dung và đại kết

Các cộng đoàn ẩn diện đằng sau Tin Mừng Gioan bao gồm nhiều nhóm khác nhau. Trong số đó có những người Do Thái cởi mở với quan điểm phê phán Đền thờ Giêrusalem (Ga 2,13-22) cũng như lề luật (Ga 7,49-50). Lại có những người Samari (Ga 4,1-42) và dân ngoại (Ga 12,20) đã trở thành những người cải đạo, từ bỏ cội nguồn lịch sử và phong tục văn hóa của họ, vốn khác biệt hẳn với những người Do Thái thuần thành. Mặc dù họ được tạo thành từ những nhóm khác nhau như vậy, các cộng đoàn của Gioan cùng chọn bước theo Chúa Giêsu, quyết tâm sống chan hòa một tình yêu cụ thể trong tình liên đới gắn bó. Bằng cách tôn trọng sự khác biệt của nhau, họ cùng nhận thức được những vấn đề phát sinh giữa những người dân ngoại và người Do Thái cùng sống chung, những vấn đề vốn gây khá nhiều rắc rối nơi các cộng đoàn khác vào thời kì đó (Cv 15,5). Bị thách thức bởi những thực tế khắc nghiệt của thời đại của họ, các cộng đoàn đã tìm cách củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến, mong muốn tất cả mọi người là anh chị em với nhau (Ga 15,12-14,17), Đấng đã tuyên bố: “Trong nhà Cha tôi có nhiều chỗ ở!” (Ga 14,2). Điều này tạo nên những cuộc đối thoại sâu sắc giữa các nhóm khác nhau. Và từ đó, phát sinh những cộng đoàn cởi mở, khoan dung và đại kết (Ga 10,16).

——

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 754, 764, 2665: Chúa Kitô, vị Mục Tử và Cửa chuồng chiên

+ GLHTCG 553, 857, 861, 881, 896, 1558, 1561, 1568, 1574: Đức giáo hoàng và các giám mục là những vị mục tử

+ GLHTCG 874, 1120, 1465, 1536, 1548-1551, 1564, 2179, 2686: Các linh mục là những mục tử

+ GLHTCG 14, 189, 1064, 1226, 1236, 1253-1255, 1427-1429: Sự hoán cải, đức tin, và Bí tích Rửa tội

+ GLHTCG 618, 2447: Chúa Kitô mẫu gương chịu những bất công và đau khổ

Lm. Giuse Ngô Quang Trung