Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Hiển Linh

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Hiển Linh

Lễ Hiển Linh xuất phát từ bên giáo hội Đông Phương, để kính nhớ biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, là cuộc tỏ mình đầu tiên của Người. Tuy nhiên, Chúa còn thực hiện những lần tỏ mình khác, thí dụ tại tiệc cưới Cana, biến hình trên núi…Khi lễ này được đưa vào giáo hội Tây Phương, nó được liên kết với những yếu tố của lễ Giáng Sinh, trong đó bao gồm biến cố các đạo sĩ đến kính viếng Hài Nhi Giêsu.

Như vậy, việc cử hành lễ Hiển Linh mang những nét riêng của giáo hội Tây Phương. Giáo hội nhìn nhận cuộc viếng thăm của các đạo sĩ là biến cố Chúa tỏ mình cho Dân Ngoại, như trong lời nguyện nhập lễ trong sách lễ Rôma: “Lạy Chúa, Chúa đã dùng sự dẫn đường của một ngôi sao mà tỏ mình cho các dân nước…

Các bài đọc tập trung vào ý nghĩa chính của ngày lễ, đó là việc Chúa Giêsu tỏ mình ra như Đấng Messia của Israel, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Cuộc Hiển Linh cho thấy đông đảo dân ngoại được gia nhập vào gia đình của các Tổ Phụ, và được hưởng “phẩm giá của Israel” (x. GLHTCG 528).

 

BÀI ĐỌC 1: Is 60,1-6

Giêrusalem bừng sáng

Đoạn văn này trong sách Isaia được viết vào thời điểm huy hoàng về sự phát triển của Israel. Họ đã trở về sau cuộc Lưu đày ở Babylon và bắt đầu nhận ra sứ vụ phổ quát của mình. Ơn cứu độ đã được hứa cho Israel không chỉ dành cho người Do Thái mà còn cho toàn thế giới! Vị ngôn sứ này nhắc đi nhắc lại rằng các quốc gia khác sẽ chứng kiến vinh hiển của Đức Chúa được tỏ bày qua ơn cứu độ của Israel  (x. 40, 5; 52,10; 61,11; 62,11). Ở đây, ông cũng tuyên bố như vậy (c. 3). Ánh sáng mà Giêrusalem chiếu tỏa trên chư dân thực ra là vinh  quang của Thiên Chúa, và sự vinh hiển đó chính là biểu hiện của ơn giải thoát. Do đó, sự phục hồi Giêrusalem giúp cho người khác nhận ra nó và bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa. Giờ đây chính nó là sứ giả của các điều phúc lành cho chư dân. Đây là lý do tại sao Giêrusalem được kêu gọi “Đứng lên! Bừng sáng lên!” Giêrusalem không chỉ được Thiên Chúa giải cứu khỏi mọi điều bất hạnh, mà nó còn được tái lập như một thành đô thịnh vượng. Những cư dân bị phân tán nay trở lại, danh tiếng bị chôn vùi nay được phục hồi, và sự thịnh vượng được tái tạo và phát triển (cc. 4-5). Đây không phải là một lời hứa sẽ được thực hiện trong tương lai, mà là một sự thật được thành toàn. Tất cả đang diễn ra trước mắt nó. Các nguồn giàu có, sung túc và văn minh một lần nữa tuôn đến Giêrusalem. Của cải từ đất và biển cả đổ vào thành thánh. Các phúc lành như vậy là bằng chứng về sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho nó.

ĐÁP CA: Tv 72, 1-2, 7-8, 10-11, 12-13

 Có lẽ Thánh vịnh này là một thánh ca được trước tác vào dịp đăng quang của vua Đavít. Những ngôn từ phong phú được dùng để tán dương vua và nền quân chủ tuyệt hảo của Isarel. Nó trổi vượt tất cả những chế độ thấp kém, hà khắc của các bạo chúa các nước lân bang. Thánh ca trình bày vua như là nguồn của sự công bằng và lòng thương cảm đối với dân nghèo.

Người ta có thể nói, những điều mô tả trong Thánh vịnh này cũng phản ánh những đặc điểm của bộ luật Hammurabi, một bộ luật tại Cận Đông cổ đại, đưa ra những chuẩn mực lí tưởng cho một tổ chức xã hội. Ngôn ngữ phóng đại của cc. 8-11, với hình ảnh các vị vua đến từ miền xa xăm tận cùng trái đất, để tỏ lòng tôn kính với vua Đavít của Giuđa. Tác giả kể đến các biên giới địa lí mà ông có thể biết thời đó: từ Địa Trung Hải ở phía tây tới vịnh Ba Tư ở phía đông; và từ sông Euphrate ở phía bắc cho đến các đảo và miền đất châu Âu (được gọi là tận cùng trái đất). Những hình ảnh này chỉ đơn giản là một biểu hiện đầy thi vị của niềm hi vọng Giuđa sẽ trở thành quốc gia hàng đầu như thời vua Đavít.

Đức Giêsu là Đấng Messia được muôn dân bao đời trông đợi. Người đến loan báo vương quốc hòa bình và công chính thông qua lòng thống hối và trung thành sống các giáo huấn của Người. Tuy nhiên nước Người không thuộc thế gian này. Luôn có chỗ trong cung lòng của Chúa Cứu Thế cho mọi người, nhất là những ai nghèo hèn và khổ đau (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tiếp kiến chung, ngày 1 và 15  tháng Mười Hai, 2004).

 

BÀI ĐỌC 2: Ep 3,2-3a, 5-6

Mầu nhiệm được mặc khải

 Bài đọc kết hợp hai chủ đề tương tự như trong Bài đọc 1: sự mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô  và sự tham gia của Dân Ngoại vào ơn cứu chuộc Đấng Cứu Thế đem lại. Những người này đã trở thành những người thừa kế gia nghiệp cùng với người Do Thái, trở thành chi thể của một thân thể, và cùng được chia sẻ lời Thiên Chúa hứa.

Phaolô nói về mầu nhiệm đã được tỏ lộ cho ngài qua mặc khải. Mầu nhiệm (mysterion) liên quan đến một điều bí ẩn, nhất là những điều kín ẩn của tôn giáo. Phaolô đã dùng từ ngữ này hai mươi mốt lần trong các thư của ngài, sáu lần riêng trong thư Êphêsô. Ngài dùng từ ngữ “mầu nhiệm” để nói về kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho Dân Ngoại qua Chúa Kitô. Mầu nhiệm này đã được giấu kín đối với dân Giao ước cũ, nhưng nay được tỏ lộ khi Chúa Kitô và Tin Mừng của Người xuất hiện (Ep 1,9; 1 Cr 2,1; Cl 1,26-27).

  1. 6. Giờ đây Phaolô kể ra nội dung của mầu nhiệm: các Dân Ngoại được đưa vào thừa hưởng lời hứa dành cho Israel. Khi nhấn mạnh đến việc Dân Ngoại được đặt vào chung với Israel trên cùng một nền tảng, Phaolô nói đến ba khía cạnh khác nhau: cùng thừa kế, cùng làm thành, cùng chia sẻ. Trong tiếng Hi Lạp những từ ngữ này đều bắt đầu với tiếp đầu ngữ “syn-” (chỉ sự đồng bộ). Các Kitô hữu gốc dân ngoại giờ đây được thừa kế gia sản mà Chúa đã hứa với tổ phụ Ápraham và con cháu của ông (x. Ep 1,13-14). Hơn nữa, họ cùng làm nên một thân thể, nhiệm thể Chúa Kitô. Và còn hơn nữa, họ lại được chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Điều này chỉ về lời hứa mà Thiên Chúa đã ngỏ với Ápraham trong Sáng Thế 12. Theo hai cách Dân Ngoại có thể được hưởng những ơn ban trọng đại này: Trong Chúa Kitô và qua Tin Mừng của Người. Họ chia sẻ các phúc lành bằng sống kết hợp với Chúa Cứu Thế như một chi thể trong thân thể của Người. Qua việc tin vào sứ điệp của Tin Mừng, họ liên kết với chính Chúa Kitô (1,13). Từ ngữ “lời hứa” được dùng xuyên suốt trong Tân Ước và chỉ những ơn huệ mà Chúa hứa sẽ ban cho dòng dõi Ápraham, nhưng giờ đây được hiểu ở một mức độ cao hơn, đó là Chúa Thánh Thần và sự sống vĩnh cửu (x. Ep 14,18).

Chúa Phục Sinh đã trao cho Phaolô sứ mệnh đặc biệt, là mang ơn cứu rỗi cho dân ngoại khi Phaolô đã trở lại (Cv 9,15). Đó là một sứ vụ được xác nhận sau đó bởi thánh Phêrô và các Tông đồ (Gl 2, 7-9).

TIN MỪNG: Mt 2,1-12

Các nhà chiêm tinh thờ lạy Hài Nhi Giêsu

Khi gần kết thúc mùa Giáng sinh, chúng ta đọc một câu chuyện Giáng sinh nổi tiếng khác: Ba vị Vua, hay Ba nhà Thông thái. Thực ra, họ là những nhà chiêm tinh, những người nghiên cứu các thiên thể và từ đó khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống con người trên trái đất. Bài tường thuật này là một loại haggadah, một câu chuyện Do Thái được kết dệt từ các tài liệu kinh thánh khác nhau nhằm đưa ra một quan điểm thần học. Điều này không có nghĩa là câu chuyện không có thật. Đúng là sự thật của nó nằm trong toàn bộ câu chuyện và ý nghĩa nó truyền tải hơn là bất kỳ hoặc tất cả các chi tiết của trình thuật.

Bản thân câu chuyện các nhà chiêm tinh này đã phát triển theo một haggadah để chúng ta có thể hiểu nó. Ví dụ, văn bản nói rằng có ba tặng vật, nhưng không nói ba người đàn ông. Nó xác định ba món quà, nhưng không cho biết vàng liên hệ với vương quyền, nhũ hương với thần tính, hoặc mộc dược với sự đau khổ. Trình thuật cũng không đặt tên cho họ (Caspar, Balthasar và Melchior), cũng không nói rằng có một người da màu. Tất cả những điều này là sự bổ sung có tính cách haggadic.

 

Các nhà chiêm tinh học hiện đại cho chúng ta biết rằng thực sự đã có một hiện tượng thiên văn bất thường vào khoảng thời gian này. Có vẻ như tác giả của câu chuyện này muốn đưa ra một lời giải thích thần học về nó. Chính câu chuyện này phụ thuộc vào các yếu tố từ một số truyền thống Kinh Thánh trước đó: lời tiên tri thứ tư của Balaam người Môáp nói về một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacóp (Ds 24,17) ám chỉ các vị vua Tarshish, Shêba và Sơva, những người sẽ cống nạp và mang những tặng vật đến triều bái vua Do Thái (Tv 72, 10-11). Cũng như từ lời hứa rằng vàng và nhũ hương sẽ được mang trên những con lạc đà từ xứ Mađian, Êpha và Shêba đến Giêrusalem (Is 60, 6).

Để chúng ta không coi các chi tiết chiêm tinh này chỉ là một câu chuyện thần thoại, tác giả sắp xếp các sự kiện theo đúng thời gian và địa điểm: triều đại của Hêrôđê, nơi Bêlem và Giêrusalem. Vì họ tin rằng những điều kỳ diệu thường đi kèm với sự ra đời của các vị vua vĩ đại, nên điều dễ hiểu là các nhà chiêm tinh sẽ đến gặp vua nước Giuđê. Toàn bộ hoàng cung (“cả thành Giêrusalem”) đều hoang mang  trước tin tức về sự ra đời này, vì đứa trẻ sẽ là một đối thủ tiềm ẩn. Những người am hiểu về triều đình (“các thầy tư tế cả và các kinh sư”) biết đứa trẻ ở đâu vì họ dựa vào sứ điệp tiên tri giúp họ biết nơi để tìm ra. Nhưng họ phủ nhận Hài Nhi là một nhà lãnh đạo hợp pháp. Biết về truyền thống không có gì đảm bảo cho sự trung thành với nó.

Đoạn văn nói về sự tôn kính Hài Nhi của các nhà chiêm tinh rất ngắn gọn nhưng gây xúc động. Ngôi sao thực sự đã dẫn họ đến nơi Người đang ở. Tìm thấy Người, họ phủ phục và bày tỏ lòng tôn kính. Bản văn không cho thấy rằng họ tôn kính Hêrôđê theo cách này, vì vậy đây không nên được coi là việc cống nạp cho một vị vua. Đây có lẽ là kiểu tôn kính mà họ dành cho một vị thần. Các nhà chiêm tinh rất thành thạo và chính xác khi phân định sự thật. Họ đọc các dấu chỉ của ngôi sao và nhận ra danh tính thật của Hài Nhi. Và họ nhận được sứ điệp từ giấc mơ nói với họ rằng hãy theo đường khác để trở về xứ mình.

Những người đàn ông vô danh này xuất phát từ một nơi tối khuất và họ cũng trở về với không gian mờ mịt. Tất cả những gì chúng ta biết là: họ không phải là người Israel, và đó là toàn bộ ý nghĩa của câu chuyện. Nó cho thấy những người thiện chí, bất kể nền tảng dân tộc hay tôn giáo nào, đều có thể đáp trả mặc khải của Thiên Chúa. Sự mở rộng cõi lòng của các nhà chiêm tinh này đã dẫn đưa họ đến với Hài Nhi, và họ không phải thất vọng khi trở về. Vì, Do Thái hay dân ngoại, tất cả đều có địa vị như nhau trước mặt Thiên Chúa.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  528, 724: Chúa tỏ mình ra

+  GLHTCG  280, 529, 748, 1165, 2466, 2715: Chúa Kitô, ánh sáng muôn dân

+  GLHTCG  60, 442, 674, 755, 767, 774-776, 781, 831: Hội Thánh, bí tích hợp nhất nhân loại

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print