Tìm Hiểu Lời Chúachúa Nhật 2 Thường Niên, Năm B  

print

Tìm Hiểu Lời Chúachúa Nhật 2 Thường Niên, Năm B

 Mùa thường niên mở ra với bài suy niệm về ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu. Ơn gọi này không dành riêng cho một số ít người được chọn. Mà đi kèm theo những lời cam kết trong Bí tích Rửa Tội của chúng ta. Các bài đọc phác họa các giai đoạn khác nhau của ơn gọi này cũng như trình bày một số đặc điểm của từng giai đoạn. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy rằng môn đệ là những người rất bình thường. Tuy nhiên, trong cái bình thường, họ đã hành động theo những cách khác thường. Các giai đoạn căn bản của ơn gọi người môn đệ bao gồm: lời Chúa kêu gọi, quá trình phân định và tác động biến đổi.

 

BÀI ĐỌC 1: 1 Sm 3,3-10,19

Ơn gọi của Samuen

Trong các bài đọc Chúa Nhật mùa thường niên, bài đọc một thường liên quan tới bài Tin Mừng, và đây là một ví dụ tuyệt vời về mối liên hệ  như vậy: ơn gọi của Samuen và lời đáp trả của cậu chuẩn bị cho sự kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

Câu chuyện về ơn gọi của Samuen vào phục vụ Chúa luôn là điều được yêu thích. Có thể dễ dàng hình dung cậu bé đang nằm, ngủ gật trên chiếc chiếu của mình trong bóng tối lờ mờ, nghe thấy giọng nói thì thầm “Shmuel” (tên của cậu trong tiếng Hípri). Đó có phải thực sự là tiếng gọi, là lời của một thầy tư tế già đang gọi, hay chỉ là tiếng gió trên những cây cột của Đền Thờ? Cậu ta vẫn ở trong tâm thế ứng trực, sẵn sàng và giản dị của một người trẻ, một loại phẩm chất rất cần cho việc phục vụ Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không biết liệu “cái linh cảm” ấy có thực sự là tiếng Chúa gọi hay chỉ là trí tưởng tượng của chính chúng ta. Lời cầu nguyện và việc linh hướng giúp biện phân ơn gọi thực sự khỏi những xung động nhất thời và non nớt! Những người khác có thể biết chúng ta nhiều hơn chúng ta biết chính mình, và lời kêu gọi của Chúa luôn phù hợp với bản tính riêng mỗi người chúng ta.

 

ĐÁP CA: Tv 40,2, 4, 7-9, 10

Khiêm nhường và vâng phục đáng giá hơn mọi hi lễ

Thánh vịnh này được cho là của Đavít, bày tỏ lòng biết ơn về những gì Thiên Chúa đã làm cho ông. Ông bắt đầu bằng lời thú nhận về sự đau khổ của mình khi chờ đợi Chúa đến cứu giúp. Chúa đã nghe Đavít trong lúc ông kêu cầu và giải cứu ông. Đáp lại, Đavít bày tỏ lòng biết ơn vì Chúa đã soi dẫn ông hát lên “một bài ca mới” là bài thánh ca ngợi khen Thiên Chúa (c. 4).

Qua mối quan hệ mật thiết với Chúa, Đavít hiểu được ý nghĩa thực sự của lễ vật hiến tế được thực hiện trong phụng vụ. Đó không phải là con vật mà Chúa muốn làm hi lễ đền tội. Ngài muốn lòng thành của đức vâng lời trong việc sống các điều răn. Và Chúa cũng muốn lòng khiêm nhường thống hối của tội nhân mà của lễ thực sự, chính  là sự hy sinh chính mình (cc. 7-8).

Ngoài việc tuân giữ các điều răn, tác giả hiểu rằng sự hi sinh bản thân phải tích cực chứ không thụ động, phải cất lên thành tiếng nói chứ không giữ im lặng. Ông phải công bố sự tốt lành của Thiên Chúa giữa cộng đoàn phụng vụ; ông phải làm chứng cho người khác về những điều Chúa đã làm cho ông.

Sống vâng phục và làm chứng cho công trình của Thiên Chúa trong cuộc đời mình cần phải cụ thể và tích cực, điều mà Chúa Giêsu đã nói đến trong Bữa Tiệc Ly: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em hãy tuân giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Thư Hípri đã đặt lời này trên môi miệng của Chúa Giêsu: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,9) cho thấy Chúa Giêsu hoàn toàn tuân phục ý muốn của Chúa Cha. Khi kết hợp ý con người của mình với ý Chúa Cha, chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể đưa ý muốn của Thiên Chúa đến mức trọn hảo (x. GLHTCG 150, 462, 2657, 2824).

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 6,13-15, 17-20

Thân xác thuộc về Chúa Kitô

Đây là bài đầu tiên trong số sáu bài đọc Chúa nhật liên tiếp từ thư 1 Côrintô của Phaolô. Cộng đồng Kitô hữu tại Côrintô có rất nhiều rắc rối, và dường như không có bất kỳ người hướng dẫn nào hiện diện tại đó với họ. Họ chỉ trông cậy vào hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và được hỗ trợ bởi một số lá thư của Phaolô. Ở đây, chúng ta có lý do mạnh mẽ nhất của Phaolô để kiềm chế tình dục: vì Chúa Kitô sống trong chúng ta, nên tất cả các chi thể trong thân thể chúng ta thuộc về Người; và Chúa Kitô tham gia vào mọi chuyển động của thân xác chúng ta. Điều này nhắc nhở chúng ta phải luôn biết tôn trọng thân xác của mình, vì biết rằng chúng ta mang Chúa Kitô trong mọi hoạt động của thân xác mình. Lời nhắc nhở sau cùng của thánh Phaolô tuy rất ngắn nhưng lại mang nhiều ý nghĩa. Ngài mời gọi người tín hữu Côrintô tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác của họ. Chủ điểm của bài đọc này là thái độ ngay chính trong luân lí tình dục, bởi đó chúng ta có thể nghĩ rằng ngài muốn khuyến giục họ sống một cuộc sống trong sạch, chính trực đối với những cám dỗ tình dục. Bởi vì chúng ta có thể tôn vinh Chúa nơi thân xác chúng ta. Nó không phải là khối vật chất hèn hạ, nhưng rất cao quý. Không phải vô giá trị, nhưng vô giá. Đó là phương tiện để chúng ta tiếp xúc với những mầu nhiệm về Thiên Chúa.

 

TIN MỪNG: Ga 1,35-42

Những môn đệ đầu tiên

Trình thuật về các môn đệ đầu tiên này nói đến việc làm chứng của Gioan Tẩy Giả chứ không phải là lời kêu gọi của Chúa Giêsu. Đó là một bằng chứng cho thấy Gioan sẵn sàng nhỏ bé đi để Chúa Giêsu lớn lên (x. 3,30). Không nghĩ về tầm quan trọng của mình với tư cách là một nhà thuyết giáo và lãnh đạo tôn giáo, Gioan hướng hai trong số các môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu. Ông xác định Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa (x. 1,29), một hành động tiết lộ điều gì đó về cảm thức bén nhạy của chính Gioan. Việc xướng lên danh hiệu này có thể dựa trên lời mô tả về người tôi tớ đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia (x. Is 53, 7). Ở đó, người tôi tớ, mặc dù vô tội, đã hiến mạng sống mình làm của lễ đền tội cho người khác. Không chắc là Gioan Tẩy Giả có hiểu Chúa Giêsu theo cách này hay không, nhưng chắc chắn tác giả Tin Mừng đã hiểu như vậy.

Hai tước hiệu khác được dùng để mô tả Chúa Giêsu: Rabbi (c. 38) và Đấng Messia (c. 41). Ý nghĩa của cả hai từ được đưa ra, gợi ý rằng độc giả có thể không quen thuộc với tiếng Hípri. “Rabbi” là cách gọi thông thường đối với một kinh sư. Khi câu chuyện mở ra, chúng ta thấy rằng đây là cách mà hai người môn đệ thưa với Chúa Giêsu. Vì các học sinh thường tụ tập ở đâu đó để được thầy chỉ dạy, các môn đệ này hỏi Chúa nơi tập trung này ở đâu để họ cũng có thể tham gia vào nhóm. Chúa Giêsu mời họ đi theo Người, và họ đã đi theo. Điều này có thể hiểu theo hai cấp độ: họ đi sau Người đến nơi Người ở; hoặc họ nghe lời Người và trở thành môn đệ của Người.

Danh hiệu thứ hai, Đấng Messia, thực sự là một hành vi đức tin đối với Anrê. Bất cứ điều gì Chúa Giêsu nói với ông đều thuyết phục ông rằng Người là Đấng đã được mong đợi từ lâu. Vào thời điểm này trong lịch sử Israel, có một số cách hiểu khác nhau về đấng thiên sai. Vì các vua, các tư tế và các ngôn sứ đều được xức dầu theo một cách nào đó, nên mỗi truyền thống đã xuất hiện một kỳ vọng về đấng thiên sai. Truyền thống vua mong đợi Đấng Messia sẽ tái lập chế độ quân chủ của vua Đavít. Truyền thống tư tế tìm kiếm một nhà lãnh đạo thực hiện chức năng tế tự; trong khi truyền thống ngôn sứ chờ đợi một nhà cải cách cách mạng. Đề cập trước đó về người tôi tớ đau khổ cho thấy cách hiểu sau này là hình ảnh Đấng Messia được ngụ ý ở đây.

Điểm cuối cùng cần được lưu ý là cách mà mỗi cá nhân trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Mặc dù Thiên Chúa luôn là Đấng khởi xướng một mối quan hệ, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra ngay cả khi người ta trực tiếp gặp Chúa. Có những lúc, người trung gian đóng vai trò quan trọng. Đây là một trong những trường hợp như vậy. Ban đầu chính Gioan Tẩy Giả chỉ về Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu mời các môn đệ của Gioan đi theo Người, thì sau đó họ mới đến với Người lần đầu tiên. Điều này cũng đúng trong trường hợp của Phêrô. Anrê là người nhận ra điều gì đó nơi Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu chỉ trao đổi với Phêrô sau khi Anrê đưa em mình đến với Người. Trong cả hai trường hợp, đức tin của người trung gian đã mở đầu cho hành trình trở thành môn đệ của một cá nhân.

—–

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  462, 516, 2568, 2824: Thánh ý Chúa Cha được hoàn trọn nơi Chúa Kitô

+  GLHTCG  543-546: Đón nhận Nước Trời, đón nhận Lời Chúa

+  GLHTCG  873-874: Chúa Kitô, nguồn mạch ơn gọi Kitô hữu

+  GLHTCG  364, 1004: Phẩm giá của thân xác

+  GLHTCG  1656, 2226: Giúp con cái khám phá ra ơn gọi của chúng

Lm. Giuse Ngô Quang Trung