Bài 43: Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Người Tân Phúc Âm Hóa Với Thánh Thần”

print

Bài 43:

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

“NGƯỜI TÂN PHÚC ÂM HÓA

VỚI THÁNH THẦN”

  1. Công đồng Vatican II và Tân Phúc Âm Hóa

Chúng ta đang sống trong Mùa Chay, không có mùa nào thuận lợi bằng Mùa Chay để giáo sĩ, giáo dân có cơ hội được phụng vụ giáo hội nhắc nhớ hàng ngày, rồi các vị chủ chăn ra thư chung hướng dẫn hoán cải, đổi mới theo Phúc âm, nghĩa là phúc âm hóa ( PAH) và tân phúc âm hóa (TPAH).

Tôi may mắn đọc được trong google bài thuật lại chuyện người ta hỏi sử gia Philippe Chenaux rằng: “Công đồng Vatican II đã thay đổi giáo hội thế nào?”. Đã có nhiều người đặt câu hỏi trên và có nhiều câu trả lời dọc theo 50 năm qua. Đến năm 2012, sử gia Philippe Chenaux đã trả lời rằng: “Công đồng đã thay đổi bằng Tân Phúc Âm Hóa”. Sử gia đã nói vậy sau khi trả lời nhiều câu hỏi thiết thực về Công đồng như:

  • Giáo hội công giáo lúc quyết định họp Công đồng thì ở trong hoàn cảnh nào?

Đáp: “Khi đức Piô XII qua đời vào đêm 9-10-1956, sau cơn bệnh kéo dài, sau hầu như 20 năm làm giáo hoàng, ngài để lại một giáo hội đắc thắng, toàn năng, biết hết mọi sự, nhưng đồng thời khép kín vào chính mình và cắt đứt khỏi thế giới thực tại. Sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản vô thần có mặt khắp nơi. Những năm sau cùng làm giáo hoàng góp phần nhấn mạnh một trong những nét đặc biệt của thời quản trị của đức Piô XII là thi hành quyền bính cách đơn độc. Các giám mục không còn được hỏi ý kiến nữa: những cuộc hội ý với các bộ khác nhau trong Tòa thánh hầu như bị loại bỏ. Về mặt giáo thuyết cũng thấy có sự cứng rắn lại sau khi có những cởi mở vào những năm đầu về chú giải thánh kinh và phụng vụ. Vụ xung đột với nhóm “tân – thời” đã qua rồi, nhưng nó xoay vòng thành nguy hiểm vào cuối thời gian dài của triều đức Piô XII. Nói thế cũng không được quên rằng đức giáo hoàng này được trích dẫn nhiều nhất trong các tài liệu của Công đồng Vatican II”.

  • Đối với nhiều người, Vatican được tóm lại trong việc bỏ dùng tiếng Latinh và ca nhạc bình ca. Theo sử gia, Vatican đã mang lại thay đổi gì lớn hơn?

Đáp: Việc cải tổ phụng vụ được hoàn thành, việc bỏ dùng tiếng Latinh và đem vào một Nghi thức Thánh lễ mới, thực sự là điều thấy rõ nhất trong các thay đổi của Vatican. Nhưng cái mới mẻ lớn lao của Vatican là ở chỗ khác: đó là giáo hội công giáo không còn tự coi mình là một xã hội toàn hảo, vượt trên các xã hội khác, và đang bị bao vây tứ phía bởi các thế lực của sự dữ. Giáo hội muốn là một giáo hội “phục vụ và nghèo” để lắng nghe mọi người và các vấn đề của con người. Đối thoại trở thành từ ngữ chủ chốt để đánh giá thái độ mới đó đối với tất cả những gì không phải là công giáo: các tôn giáo không phải Kitô giáo, các tín ngưỡng theo Kitô giáo, cách chung là với toàn thế giới”.

  • Các nghị phụ của Công đồng ước muốn cởi mở với thế giới, các ngài hy vọng giáo hội tự làm cho mình được văn hóa hiện đại của thế giới dễ hiểu biết hơn, các ngài đã thành công hay thất bại?

Đáp: Cởi mở với thế giới, hòa hợp với nền văn hóa hiện đại là những hoa trái đầu mùa tất yếu của cái mà ngày nay ta đang gọi là Tân Phúc Âm Hóa. Thực ra cũng có những cái lệch lạc và những cái thái quá, nhưng nói chung giáo hội vẫn trung tín với sứ mệnh của mình. Như đức Gioan Phaolô II nói, Công đồng Vatican II vẫn là  “cái la-bàn tốt” cho giáo hội của ngàn năm thứ ba.”

Như vậy, theo sử gia, Công đồng Vatican II đã thay đổi giáo hội bằng Tân Phúc Âm Hóa. Có đúng thật là thế không? Theo tôi, qua những câu trả lời của sử gia về giáo hội với thế giới năm 2012 và đối chiếu với hiện trạng trong giáo hội năm 2017, câu trả lời thật chí lý và chính xác. Chúng ta thử chứng minh.

  1. Từ Công đồng Vatican II đến Tân Phúc Âm Hóa.

Giáo hội luôn luôn phải được cải tổ (Ecclesia semper reformanda) đó là châm ngôn từ thời xưa, thúc đẩy đức giáo hoàng và 2400 nghị phụ đại diện giáo hội khắp thế giới tham dự cộng đồng, để trước hết suy nghĩ về chính mình đã thi hành sứ mệnh Chúa Giêsu trao ban thế nào, và suy nghĩ mình có tương quan thế nào với thế giới ngày nay đang thay đổi mau chóng và ngày một xa rời giáo hội.

  • Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Lên ngôi giáo hoàng, kế vị đức Piô XII năm 1958, được ba tháng ngài ngỏ ý triệu tập Công đồng Vatican II để cải tổ giáo hội, và tìm cách loan báo Phúc Âm cho một thế giới đang thay đổi rất mau chóng. Công đồng được khai mạc vào 11-10-1962 thì 3-6-1963 đức Gioan XXIII qua đời.
  • Đức Giáo Hoàng Phaolô VI

Ngài lên ngôi năm 1963 tiếp tục công việc của Công đồng. Trong suốt hai năm, Công đồng trao đổi góp ý và làm nổi bật được giáo hội như là mầu nhiệm, như hiệp thông, và có sứ vụ do Chúa Giêsu trao phó là loan báo Phúc Âm cho thế giới. Công đồng gom góp lại ý kiến trong 16 văn kiện, và bế mạc vào 8 – 12 – 1965. Sau đó đức Phaolô VI quyết định thiết lập Thượng Hội Đồng các Giám mục (THĐGM) để giúp ngài áp dụng các quyết định của công đồng.

Năm 1975 ngài triệu tập THĐGM lần thứ 3 bàn về việc Phúc Âm Hóa trong thế giới ngày nay, và ban hành Tông Huấn “Loan báo Phúc âm”. Tông huấn được biên soạn rất công phu và phong phú, bao hàm mọi vấn đề liên hệ đến công cuộc cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã quan niệm và thực hiện, như được ghi chép trong Phúc âm. Các ngài đặt “Chúa Kitô là Phúc Âm của Thiên Chúa, Đấng là người Phúc Âm Hóa đầu tiên và vĩ đại nhất” (Tông huấn số 7). Rồi các ngài liệt kê các công việc mà Chúa đã làm như: nhập thể, loan báo Phúc Âm cho người nghèo, làm các phép lạ, chiêu tập các môn đệ, sai phái nhóm 12 tông đồ, chết trên Thập giá và sống lại, hiện diện thường xuyên giữa các môn đệ, ban các bí tích, làm chứng và dạy các môn đệ phải làm chứng… (Tông huấn số 6 – 13). Các ngài cũng cho biết “không dễ gì bày tỏ đầy đủ ý nghĩa nội dung, các cách thức mà Chúa Giêsu đã quan niệm và thực hiện. Một tổng hợp như thế sẽ không bao giờ chấm dứt được” (Tông huấn số 7). Cuối cùng các ngài chọn cụm từ Phúc Âm Hóa để thâu tóm lại, và định nghĩa: Phúc Âm Hóa là mang Phúc Âm đến mọi môi trường nhân loại và nhờ tác động của Phúc âm làm biến đổi từ bên trong, đổi mới chính nhân loại.” Nói cách khác: “Phúc Âm Hóa là tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, sinh hoạt trong đó con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ” (Tông huấn số 18). Các ngài khẳng định rằng: “Không một định nghĩa phiếm diện hay lẻ vụn nào lột hết được nội dung của một thực tại phong phú, phức tạp và có sức năng động như việc Phúc Âm Hóa, trừ phi đành liều để cho thực tại ấy nghèo nàn, què quặt đi. Không thể nào thấu hiểu được Phúc Âm Hóa nếu người ta không nhìn bao quát tất cả những yếu tố chính yếu của nó” (Tông huấn số 17).

          Như vậy sau hơn 2000 năm giáo hội quan tâm từng khía cạnh đường lối, cách thế của Chúa Giêsu, như rao giảng Phúc Âm, làm các phép lạ, chịu chết, sống lại, về trời… thì từ nay đức Phaolô VI và toàn giáo hội đã gom tất cả lại trong việc Phúc Âm Hóa với ý nghĩa, nội dung, phương pháp, và với Chúa Thánh Thần (Tông huấn chương 2, 3, 4, 7). Sau hết các ngài cũng nhắc nhớ rằng những ai được Phúc Âm Hóa thì có sứ mệnh Phúc Âm Hóa người khác nữa.

          Phúc Âm Hóa là nền tảng dẫn đến TÂN PHÚC ÂM HÓA sau này. Tiếc thay các dịch giả ở Việt Nam cho đến nay vẫn dịch évangélisation là việc rao giảng Tin Mừng hay việc truyền giáo, évangélisateur là người hay sứ giả rao giảng Tin Mừng, hay nhà truyền giáo… khiến độc giả Việt Nam chưa làm quen với “Phúc Âm Hóa và người Phúc Âm Hóa” như Tông huấn đã phân định từ năm 1975.

  • Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Sau khi đức Phaolô VI qua đời đức Gioan Phaolô I lên kế vị để tiếp tục công việc của đức Gioan XXIII và đức Phaolô VI, nhưng chỉ trong 33 ngày đã qua đời và đức Gioan Phaolô II được bầu lên kế vị đức Gioan Phaolô I. Đức Gioan Phaolô II làm giáo hoàng vào thời điểm giáo hội và thế giới càng ngày càng cách biệt: giáo hội không đáp ứng những thách đố của một thế giới đang thay đổi mau chóng, nhiều Kitô hữu bên Âu châu rời bỏ giáo hội, thế giới ngả theo duy vật vô thần, ham hưởng thụ khoái lạc, thế tục hóa, toàn cầu hóa… Đặc biệt có 2 điểm độc đáo trong triều đại ngài là:

  • Thứ nhất: ngài có dịp công du nhiều nơi và thấy nhiều hoàn cảnh khác nhau: có nơi chưa biết gì tới Phúc Âm, có nơi biết rồi nhưng không còn sống theo, nên ngài nghĩ tới việc phải Tái Phúc Âm Hóa rồi nhất là Tân Phúc Âm Hóa . Câu nói được trích trong diễn văn ngày 9–3–1983: “Công cuộc kỷ niệm 500 năm rao giảng Phúc Âm tại Châu Mỹ Latinh sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu như chư huynh là giám mục cùng với hàng linh mục và giáo dân, dấn thân không phải trong việc tái Phúc Âm Hóa, nhưng trong cuộc Tân Phúc Âm Hóa: mới về lòng nhiệt thành, mới về phương pháp và mới về cách diễn tả”. Từ đây ngài luôn quan tâm đến Tân Phúc Âm Hóa trong các công việc và hoạt động của ngài.
  • Thứ hai: Ngài dùng dịp Thứ Năm Tuần thánh trong suốt triều giáo hoàng để viết thư cho hàng linh mục “nhằm cổ võ việc Tân Phúc Âm Hóa đời sống linh mục. Ngài đã triệu tập THĐGM đặc biệt năm 1985 để duyệt lại việc thực thi các quyết định của Công đồng thì thấy những quyết định của Công đồng chưa thấm nhập trong dân Chúa” nên ngài bắt tay vào việc Tân Phúc Âm Hóa. Năm 1987 triệu tập THĐGM để Phúc Âm Hóa giáo dân. Năm 1990, THĐGM để canh tân việc đào tạo giáo sĩ. Năm 1992, xuất bản sách Giáo lý Giáo hội Công giáo để phổ biến giáo lý của Công đồng. Năm 1996 có THĐGM để canh tân Đời sống Thánh hiến. Năm 2001 có THĐGM về Giám mục, người phục vụ Phúc âm. Năm 2007 có THĐGM về Thánh Thể nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mạng giáo hội.
    • Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Lên ngôi giáo hoàng ngày 19–04–2005, là vị chủ chăn thao thức thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm Hóa một cách chính thức và có hệ thống trên toàn giáo hội. Ngài coi đây là việc khẩn cấp vì hai lý do: ở nhiều nước theo đạo công giáo đã lâu có nhiều người rời bỏ giáo hội; ở các nước mới theo đạo cũng có nhiều người chưa chấp nhận để biến đổi theo Phúc Âm.

Do đó ngày 21-9-2010 ngài thiết lập một Hội Đồng Tòa thánh đặc trách công cuộc Tân Phúc Âm Hóa và chỉ định năm bổn phận chính là:

  1. Đào sâu ý nghĩa thần học và mục vụ của TPAH.
  2. Cổ võ việc nghiên cứu,phổ biến và thực hiện Huấn quyền Tòa thánh liên hệ đến TPAH.
  3. Phổ biến và nâng đỡ những sáng kiến liên hệ đến TPAH.
  4. Nghiên cứu và cổ võ việc sử dụng những hình thức truyền thông hiện đại như dụng cụ của TPAH.
  5. Cổ động sử dụng Sách Giáo Lý Giáo hội công giáo như hình thức chính yếu và hoàn hảo để giới thiệu nội dung đức tin cho thời đại chúng ta.
  • Ngày 7-10-2012 ngài quyết định mở Thượng Hội Đồng Giám mục thứ 13 nhằm thảo luận về TPAH để thông truyền đức tin Kitô giáo. Đầu năm 2011 các nghị phụ gửi Tài liệu làm việc và 62 câu hỏi cho các Hội đồng Giám mục trong đó có câu hỏi: có phổ biến TPAH chưa hay phổ biến nhỏ giọt (diffusion capillaire), có sáng kiến gì về TPAH, có duyệt lại giáo trình đào tạo linh mục theo TPAH chưa?… Năm 2012 phát hành Tài liệu làm việc đúc kết các câu hỏi năm 2011.
  • Ngày 26-10-2012 các nghị phụ gửi Sứ Điệp cho Dân Chúa. Sứ điệp có điểm rất thích thú là các nghị phụ dùng câu chuyện phụ nữ xứ Samaria gặp Chúa Giêsu bên bờ giếng (xem Ga 4,5-42 ) để tóm tắt ý nghĩa cũng như các việc phải làm để TPAH. Đức Gioan XXIII thích nhắc đến câu chuyện “giếng đầu làng” này, và cả đức Bênêđictô XVI  cũng trích dẫn trong diễn văn của ngài. Còn  với Kitô hữu Việt Nam thì cái “giếng đầu làng”  là một nét văn hóa rất thân thương, đó là nơi để múc nước cho cả nhà dùng, đồng thời là nơi gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ…Sứ điệp cho biết thế giới tự thâm sâu khao khát nước trong lành, nhưng lại đầy dẫy những “giếng nước ô nhiễm”: vô thần duy vật, tục hóa…Giáo hội cần tạo thêm nhiều “giếng nước” để có được những cuộc gặp gỡ như phụ nữ sứ Samaria gặp Chúa Giêsu, nhờ đó chị khám phá Chúa Giêsu là Đấng có “Nước uống không bao giờ khát”, và chị còn giới thiệu cho dân làng đến gặp gỡ Chúa Cứu thế nữa. Sứ điệp đã dùng câu chuyện “giếng đầu làng” để giúp ta hiểu được cốt lõi của TPAH, nghĩa là:
  • Có dịp gặp gỡ Chúa Giêsu và Phúc Âm.
  • Đón nhận và biến đổi mình theo Chúa và Phúc Âm. Giới thiệu Chúa Giêsu và Phúc Âm cho người thân cận chưa có cơ hội gặp gỡ .

Đức giáo hoàng Bênéđictô XVI chính thức tổ chúc toàn giáo hội thực hiện cuộc Tân Phúc Âm Hóa.

  1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô người Tân Phúc Âm Hóa với Thánh Thần.

Ngài lên làm giáo hoàng ngày 13-3-2013 tới nay được đúng 4 năm, nhưng có thể nói ngài là vị giáo hoàng đã thực hiện việc TPAH  ngay khi mới làm Tổng giám mục ở Argentina năm 1992. Sách “Cuộc cách mạng của giáo hoàng Phanxicô” của Marco Politi cho biết ngài đã chọn “làm chủ chăn là phải có mùi như đoàn chiên”, ngài đứng về phía người nghèo, không sống trong biệt thự, không có xe hơi và tài xế cận vệ riêng, ngài kêu gọi hàng giáo sĩ chấm dứt lối sống giáo sĩ trị trong các bài giảng năm 2012.

Khi lên ngôi giáo hoàng ngày 13-3-2013 ngài đã làm nhiều việc khác với truyền thống trong giáo triều Rôma như: vẫn mặc áo trắng đi giày đen chứ không mặc áo đỏ đi giày đỏ, vẫn đeo thánh giá sắt nhẫn bạc chứ không dùng thánh giá và nhẫn vàng, ngài đứng chứ không ngồi trên ngai khi các hồng y đến chúc mừng, ngài vẫn ở nhà trọ Matta chứ không về dinh thự giáo hoàng, đi đâu ngài xách cặp da đen, không dùng xe công sứ mà dùng xe cảnh sát, ngài là giáo hoàng đầu tiên chọn danh hiệu là thánh Phanxicô khó nghèo…Ngài không muốn lập dị nhưng muốn kết thúc một giáo hội triều đình, như một luật sư đã tóm kết việc đổi mới vai trò giáo hoàng của ngài là: “đức Phanxicô kế vị thánh Phêrô chứ không phải kế vị vua Constantinô”.

  • Ngày 28-3-2013 dịp lễ Dầu đầu đời giáo hoàng, ngài đã giảng một bài về việc linh mục được xức dầu. Tôi thấy rất độc đáo và gây ấn tượng nên đã chia sẻ trong bài “Cảm nghĩ về bài giảng lễ Dầu”. Ngài giải thích: được xức dầu là được “có tình nghĩa với Chúa Giêsu”, được xức dầu là “vì người khác và cho người khác”. Ngài lưu ý có những “linh mục luôn còn dầu” và có “những linh mục khô dầu”…và kêu gọi “các linh mục hãy liều mất hết mọi sự trong cuộc đời để giữ cho mình không khô dầu.”
  • Vào đầu tháng 4-2013 ngài lập một Ủy ban hồng y từ năm châu lục làm “Ban Hồng y tư vấn” để cải tổ giáo triều cũng như cố vấn cho giáo hoàng trong việc điều hành giáo hội phổ quát.
  • Đến 24-12-2013 ngài gởi “Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm” cho Dân Chúa trong đó ngài chọn tầm nhìn và khẩu hiệu theo Sứ điệp cho giáo hội của các giám mục là Tân Phúc Âm Hóa. Ngài không lặp lại những gì trong tài liệu làm việc của tháng 12-2012 mà chỉ tóm lược mấy nét chính của TPAH, và để tâm khai triển kinh nghiệm bản thân của ngài về TPAH. Ngài chia sẻ: người TPAH phải là người TPAH với Thánh Thần, nghĩa là phải có đời sống cầu nguyện với Chúa và chuyển cầu cho mọi người, nói cụ thể là có thời giờ suy gẫm Lời Chúa, xem cách Chúa tiếp xúc với từng người thế nào: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Dakêu, Matta và Maria, Madalêna, viên sĩ quan bách quân Rôma, anh mù từ mới sinh…để làm cho mình say mê Chúa Giêsu vì có say mê Chúa mới bắt chước Chúa để say mê người thân cận như Chúa được. Kinh nghiệm của ngài là “Nếu không có những giờ phút lâu dài để tôn thờ, gặp gỡ Lời Chúa trong cầu nguyện, chân thành đối thoại với Chúa, thì các nhiệm vụ dễ dàng mất hết ý nghĩa, chúng ta sẽ bị suy yếu vì mệt mỏi hay vì những khó khăn, và lòng nhiệt thành sẽ bị dập tắt.” Ngài thú thực ngài thường nhận được trong lúc cầu nguyện cách thức giải quyết các vấn đề, giống như đức Gioan Phaolô II và đức Bênêđictô XVI cũng đã thú thực như vậy.
  • Đến 22-11-2014 dịp các nhân viên giáo triều đến chúc mừng lễ Giáng sinh, đức Phanxicô đã có một bài đáp từ nói về 15 căn bệnh giáo triều có thể mắc phải mà các giáo phụ sống trong sa mạc hay kể ra để xét mình ăn năn tội, chẳng hạn: bệnh ông phú hộ vô cảm đối với anh nghèo Ladarô, bệnh bà Marta thích nhiều chuyện lăng xăng (Marthalism), bệnh pharisiêu giả hình, sống nước đôi…Ngài nói các bệnh này làm suy yếu việc phục vụ, mà chỉ có Chúa Thánh Thần và chính người có thiện chí mạnh muốn sửa thì mới chữa được. Ngài còn chia sẻ một câu nói mà ngài coi là rất dễ thương và rất thật, đó là: “Các linh mục giống như các máy bay. Các máy bay chỉ làm cho các báo chí đăng tin giật gân độc đáo khi máy bay rớt xuống.” Câu nói rất dễ thương nghĩa là không phải máy bay nào cũng rớt bởi vì luôn có nhiều máy bay vẫn bay; nhưng rất thật vì thực sự thỉnh thoảng có máy bay rớt; và còn rất dễ thương vì đề cao sự phục vụ của các linh mục, nhưng rất thật vì khi một linh mục “ngã xuống” là cả một tai họa cho toàn thân thể giáo hội.

Tác giả Marco Poletti viết vào cuối sách “Cuộc cách mạng của đức Phanxicô” rằng: “Không có cuộc cách mạng nào mà không có đau đớn, mỗi cuộc cách mạng đều gặp một đối kháng trong chính hàng ngũ của mình.” Năm 2015 ông có nhận xét là: “Người ta không thể một mình sửa đổi giáo hội. Xét về sự đồng thuận, giáo hoàng Phanxicô không cô đơn: giáo hữu rất nhiệt thánh với ngài…nhưng bộ máy đồ sộ của hàng giáo sĩ lúc này bỏ rơi ngài như một viên tướng tiến quá xa sang phía bên kia chiến tuyến, trong khi đoàn quân vẫn án binh bất động phía sau lưng ông”. Nhưng hiện giờ năm 2017 ngài đang lặng lẽ tự Tân Phúc Âm Hóa mình với Thánh Thần, ngài thường xin mọi người cầu nguyện cho ngài, và ngài đang cùng với các giám mục của Thượng Hội đồng tìm cách Tân Phúc Âm Hóa gia đình một cách tích cực. Hai năm liền, ngài mở THĐ đặc biệt vào tháng 10 năm 2014 bàn về “Những thách đố của gia đình”, và mở THĐ thường lệ vào tháng 10 năm 2015 bàn về “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình”.

  1. Để Kết.

Tân Phúc Âm Hóa quả thật là “hoa trái đầu mùa tất yếu của Cộng đồng Vatican II.” Công đồng giúp đức giáo hoàng Phaolô VI khám phá để chọn Phúc Âm Hóa như tổng hợp mọi khía cạnh của công việc cứu chuộc của Chúa Kitô, nhờ đó mọi người nắm được cốt lõi của đời sống Kitô hữu không phải chỉ lo học đạo, giữ đạo theo thói quen…nhưng chính là gặp gỡ Chúa Kitô, qua Phúc Âm của Người để phúc Âm biến đổi đời mình sống theo Phúc âm : hiền lành, khiêm nhường, theo tám mối phúc…Nhưng Kitô hữu ngày nay đang sống trong một xã hội và thế giới thay đổi mau chóng, lôi cuốn Kitô hữu theo vô thần, duy vật, tục hóa, hưởng thụ ích kỷ, xa rời giáo hội và Phúc Âm. Vì thế đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phải kêu gọi toàn giáo hội Tân Phúc Âm Hóa, nghĩa là Phúc Âm Hóa với lòng nhiệt thành mới, với đường lối mới và cách diễn tả mới. Còn đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và đức giáo hoàng Phanxicô nhận thấy việc Tân Phúc Âm Hóa là rất khẩn cấp, nên đã động viên toàn thể giáo hội chọn tầm nhìn của giáo hội cho hiện tại cũng như tương lai, là Tân Phúc Âm Hóa ; chọn Tân Phúc Âm Hóa là khẩu hiệu, là khẩu lệnh. Các ngài kêu gọi giáo hội dấn thân vào công việc tạo nên nhiều giếng nước đầu làng cho xã hội và thế giới, dẫu có phải khó nhọc “gieo trong nước mắt” (Tv 126, 6). Giáo hội luôn vui mừng và hy vọng vì có Chúa Kitô đã chết, sống lại, về trời, và Chúa đã hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20), và vì chúng ta có Mẹ Maria mà các nghị phụ gọi là “Ngôi sao của Tân Phúc Âm Hóa.”

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà hưu dưỡng linh mục Cần thơ

Mùa chay 2017