Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 34 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 34 Thường Niên, Năm A

Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

 

Trong ngày Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội chiêm ngắm và suy tôn Chúa Giêsu là Vua. Vương quyền của Người bao trùm toàn thể vũ trụ. Vương quyền đó được thể hiện qua việc xét xử. Đó là phát xét cuối cùng hay phán xét chung. Chúa Giêsu là Vua đến để phục vụ con người, đem cho con người niềm vui và hạnh phúc viên mãn (Thánh vịnh đáp ca). Nhưng Người cũng là vị Thẩm phán công minh; Người sẽ xét xử mỗi người về hành vi và đời sống của họ vào lúc tận cùng thời gian.

 

BÀI ĐỌC 1: Ed 34,11-12, 15-17

Vị Mục tử đầy yêu thương

Đây có thực sự là bài đọc thích hợp cho lễ Chúa Kitô Vua không? Tất cả đều nói về chiên? Chứ không phải là về vương miện, huy chương, rước xách và sự uy nghiêm? Có lẽ không nên như vậy! Vương quyền của Chúa Kitô được mô phỏng theo Vương quyền của Thiên Chúa, hay đúng hơn, Chúa Giêsu đến để cho chúng ta thấy Vương quyền của Thiên Chúa là gì. “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”, là lời tuyên bố đầu tiên của Người khi bắt đầu sứ vụ. Ở vùng nông thôn của chúng ta, trâu bò có thể thả rông ngoài đồng cỏ. Còn ở đất nước đồi núi Palestine phải luôn có một người chăn chiên quan sát chúng, để ngăn chúng đi lang thang trên vách đá hoặc ngăn chặn sự tấn công của các thú hoang hung dữ. Chiên là những con vật ngốc nghếch, cần phải được canh giữ để cho chúng có thể đi tự do ăn cỏ. Chúng mở to mắt và không sợ sệt khi một chiếc xe chạy như đâm vào chúng; chúng chạy tán loạn và sau đó lại quên đường. Chúng ta cũng là những sinh vật ngớ ngẩn và cũng làm như vậy. Chúng ta cần sự chăm sóc của Thiên Chúa để giúp chúng ta đi đúng đường. Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành yêu thương chúng ta, bảo vệ chúng ta, chữa lành chúng ta, xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng ta, và thậm chí hiến mạng sống của Người cho chúng ta. Vương quyền của Người là như vậy đó!

ĐÁP CA: Tv 23

Mục Tử nhân hậu

Thánh vịnh 23 có lẽ là Thánh vịnh được yêu mến nhất trong tất cả 150 Thánh vịnh. Thánh vịnh này được cho là của Đavít và thể hiện một cảm nghiệm cá nhân về mối tương giao thân thiết giữa tác giả với Thiên Chúa của mình. Thánh vịnh sử dụng hai hình ảnh biểu tượng: Chúa là Mục tử thiêng liêng (cc. 1-4) và Chúa là một ông chủ đầy lòng nhân hậu (cc. 5-6). Trong Kinh Thánh và trong các tài liệu Cận Đông cổ đại, mục tử thường là biểu tượng cho nhà vua (2 Sm 5, 2; Is 44, 28; v.v.). Hình ảnh này cũng được sử dụng để diễn tả vai trò của Thiên Chúa là Vua, là Đấng bảo vệ và là Đấng xét xử dân giao ước của Ngài (Tv 28, 9; Is 40,11; Ed 34, 11-16).

Mô tả các khía cạnh của việc chăn chiên, có lẽ từ chính kinh nghiệm của Đavít là người chăn chiên thời trẻ, tác giả phác họa một bức tranh về mối tương giao gắn bó của ông với Thiên Chúa trong nỗ lực sống một cuộc đời thánh thiện (cc. 2-3). Dưới sự dẫn dắt không ngừng của vị Mục Tử, tác giả và dân của ông là con chiên trong đàn chiên của Chúa, luôn  được dẫn dắt bằng tình thương trên đường ngay nẻo chính. Mục Tử lưu tâm đến những nỗi sợ hãi và sự yếu đuối của dân Ngài. Ngài dẫn dắt họ đi qua không phải những dòng sông độc hại mà là những dòng nước trong lành. Sự chăm sóc dịu dàng của Mục Tử tối cao mang đến cho họ niềm tin được che chở và sẽ được đến đồng cỏ xanh tươi, là Nước Trời vĩnh cửu (x. 1 Pr 5, 4; Kh 7,17). Ngay cả giữa những thử thách và đau khổ, tác giả thánh vịnh vẫn cảm thấy an toàn, ông luôn tin cậy vào Chúa dẫn dắt và bảo vệ ông. Và mặc dù phải đối diện với quân thù, ông chủ nhân hậu vẫn chuẩn bị cho ông một bàn tiệc phong phú, cho đến khi ông bước vào chốn nghỉ ngơi viên mãn của Chúa. Tác giả ngập tràn hạnh phúc vì lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa ấp ủ suốt cuộc đời ông.

Đối với các Kitô hữu, Thánh vịnh này mặc một ý nghĩa đầy đủ trong câu nói của Chúa Giêsu: “Tôi là Mục tử nhân lành” (Ga 10,11, 14; Hr 13, 20). Trong Bữa Tối sau cùng, Chúa Giêsu đã hoàn tất “bàn tiệc” của Cựu Ước. Người hiến dâng thân mình trong Bí tích Thánh Thể mà Người thiết lập và cử hành lần đầu tiên trong Bữa Tối sau cùng ấy. Người tiếp tục dọn bàn tiệc ấy cho các tín hữu mỗi lần cử hành Thánh lễ. Đó là bàn tiệc mà nhìn ngược thời gian là Bữa Tiệc Li, còn nhìn trước thời gian thì đó là bàn tiệc vĩnh cửu trong vương quốc của Thiên Chúa mà sách Khải Huyền nói tới (Kh 19,5-9).

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 15,20-26, 28

Vua Giêsu trình bày Vương quốc

Điều gì sẽ xảy ra vào ngày tận thế? Thế giới sẽ kết thúc như thế nào? Đơn giản là chúng ta không biết được, và đó không phải là điều Kinh Thánh cần dạy chúng ta. Đối với Kitô hữu chúng ta, có ba điều chắc chắn – và đây là điều Phaolô muốn dạy chúng ta ở đây bằng ngôn ngữ hình ảnh sống động. Thứ nhất, quyền tối cao của Thiên Chúa sẽ mở rộng trên toàn thể tạo vật trong hòa bình và trật tự. Thứ hai, điều này sẽ là nhờ ở vai trò trung gian của Chúa Kitô, vì Người là Chúa của Hội thánh, là “xương sống” của Hội thánh, Thân thể của Người. Khi Phaolô nói rằng “Thiên Chúa đã đặt mọi kẻ thù dưới chân Người”, ngài đang trích dẫn một Thánh vịnh thiên sai về vị vua cũng là tư tế ở Giêrusalem, thường được áp dụng cho Chúa Kitô. Thứ ba, Chúa Kitô là hoa trái đầu mùa của sự Phục sinh: Người dẫn đường đi đâu, chúng ta sẽ đi theo đó.

 

TIN MỪNG: Mt 25,31-46

Cuộc Phán xét chung

Khung cảnh của Cuộc Phán xét Cuối cùng khi nó diễn ra trước mắt chúng ta hôm nay vừa trang nghiêm vừa thật sự gây ngạc nhiên. Đó là cảnh tận thế huy hoàng và uy nghiêm, cảnh phân biệt người công chính với kẻ bất chính, cảnh thưởng và phạt. Trình thuật Tin Mừng tập hợp một bối cảnh rõ ràng về ngày tận thế và các sự kiện diễn ra.

Một cái nhìn về tương lai cánh chung được phác họa ở đây. Sự xuất hiện của Con Người, các thiên sứ, khung cảnh hoàn vũ bao trùm, và ngai tòa vinh hiển mà từ đó Con Người sẽ đưa ra quyết định, tất cả đều gợi nhớ đến bối cảnh khải huyền về sự tái lâm của một người giống như Con Người (x. Đn 7,14). Tất cả mọi người được đưa ra trước mặt Người để chịu xét xử và tuyên án. Hình ảnh người mục tử tách đàn chiên khỏi đàn dê đã khá quen thuộc với khán giả nguyên thủy của Chúa Giêsu. Những con chiên được ưa thích hơn vì chúng có giá trị hơn, và vì vậy chúng được đặt ở bên hữu Con Người, nơi được tuyển chọn. Cảnh tượng này mang ý nghĩa cảnh tỉnh chúng ta bởi vì người ta có cảm giác rằng không có cách nào để thoát khỏi đó.

Điều đáng ngạc nhiên là lý do được đưa ra cho việc xét xử. Đó không phải là thành tựu của một kỳ tích phi thường nào đó. Đúng hơn, con người được đánh giá dựa trên việc họ có đáp ứng được những nhu cầu căn bản của con người cho người khác hay không. Thông thường tiêu chí này đã bị hiểu nhầm, có nghĩa là nhu cầu căn bản của bất kỳ ai, nhưng đó không phải là những gì bản văn nói. Ở đây Tin Mừng không nói về việc phục vụ nhân đạo, bất kể là nó có thể vô vị lợi như thế nào. Chúa Giêsu dành thuật ngữ “anh em” cho các môn đệ của Người. Hơn nữa, Người còn gọi họ là “những kẻ bé mọn” (x. Mt 10,42), những kẻ tầm thường trong mắt người đời. Cuối cùng, Người hứa ban phần thưởng cho bất cứ ai trao một chén nước cho người môn đệ (x. Mt 10,42). Tất cả những điều này cho thấy rằng đám đông người tập họp tại sự kiện cánh chung này sẽ bị đánh giá tùy theo cách họ đối xử với các môn đệ của Chúa Giêsu.

Sự đồng hóa Chúa Giêsu với các môn đệ dựa trên chính khái niệm về tông đồ. (Mặc dù Mátthêu chỉ sử dụng từ này một lần [xem Mt 12, 2], và ngài sử dụng “môn đệ” với cùng một nghĩa như vậy.) Tông đồ là người được sai đi với thẩm quyền của người sai: “Ai tiếp đón anh em là đón tiếp Thầy” (x. Mt 10,40). Từ chối tông đồ là từ chối người đã sai tông đồ. Tội lỗi của những người bị xét xử trong đoạn văn này không nằm ở việc họ đã làm gì sai, mà ở việc họ không tiếp nhận những người mang nước Thiên Chúa đến cho họ. Từ chối những người này là từ chối Nước Trời. Những lời tuyên án được cho qua khi người ta cởi mở đón nhận Nước Trời. Người công chính được mời vào Nước Trời, nơi họ sẽ được hưởng sự sống đời đời; kẻ ác bị ném vào hình phạt của lửa thiên thu. Sự lựa chọn họ thực hiện là quyết định; và các phán quyết đã đưa ra là bắt buộc.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  440, 446-451, 668-672, 783, 786, 908, 2105, 2628: Đức Kitô là Chúa và là Vua

+  GLHTCG  678-679, 1001, 1038-1041: Đức Kitô là Thẩm phán

+  GLHTCG  2816-2821: “Nước Cha trị đến”

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

.